Làm nông nghiệp hữu cơ không phải là viển vông, nó là con đường của sự sống mới. Bởi, phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ có lợi cho môi trường, đất đai, cây trồng, gia súc, con người và cả cộng đồng, khiến cho hệ sinh thái được bền vững.
Như Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói, nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng đang làm theo xu thế đó.
Đến nay, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã phát triển tới trên 76.000ha, 33/63 tỉnh, thành phố đã có những mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã đặt chân được vào những thị trường khó tính trên thế giới, đưa Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Thế nhưng, để hồi sinh được những cánh đồng chết, để tôm cá tung tăng bơi lội dưới những ruộng lúa, để người nông dân từng bước thay đổi suy nghĩ chuyển từ nông nghiệp vô cơ (sử dụng phân hoá học) sang nông nghiệp hữu cơ là một hành trình đầy gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và cả niềm đam mê.
Bài 1: Tôi bị nói là kẻ lừa đảo
Mấy năm trước, khi hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp hữu cơ theo công nghệ chỉ cần bón phân và tưới nước, không phun thuốc BVTV hay bón phân hoá học, tôi bị nói là kẻ lừa đảo, phản khoa học, nông dân dọa sẽ kiện nếu cây của họ chết.
Họ nói tiêu chết vì bón phân hữu cơ
Sau bữa cơm trưa ngày cuối năm với toàn những món ăn được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như: rau, thịt, cá… ông Trần Ngọc Nam - TGĐ công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Nam dẫn chúng tôi vào phòng trưng bày của công ty có những bình thuỷ tinh cỡ lớn chứa đầy các loại gạo, cà phê, đậu tương, tiêu…
Ông tự hào: “Đây là những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mà tôi cùng người nông dân ở nhiều tỉnh thành kết hợp làm ra”.
Ông Nam cho biết, giờ có kết quả từ thực tế chứng minh, nên câu chuyện hướng dẫn hay liên kết với người nông dân làm nông nghiệp hữu cơ dễ hơn trước rất nhiều.
Hướng dẫn nông dân trồng tiêu hữu cơ bằng cách “bón phân và tưới nước”, ông Trần Ngọc Nam bị nói là phản khoa học |
Cách đây mấy năm, ông cùng các kỹ sư nông nghiệp trong công ty đi đến các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên hướng dẫn nông dân trồng tiêu chuyển từ phương thức sản xuất nông nghiệp vô cơ (dùng phân hoá học và thuốc BVTV) sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng phương pháp “bón phân và tưới nước”. Song, canh tác bằng phân hoá học và các loại thuốc BVTV đã trở thành thói quen của người nông dân trong nhiều thập kỷ nên giờ bảo họ thay đổi chỉ cần “bón phân tưới và nước” thì chẳng ai tin.
Họ bảo, sợ nhất là tiêu chết nhanh chết chậm, rầy rệp sâu bệnh, thối rễ. Phải phun thuốc trừ sâu, thậm chí phun thuốc rồi mà cây vẫn chết. Họ còn dùng đủ các loại phân hóa học của Nga, Mỹ... mà còn không cứu nổi, hồ tiêu vẫn vàng lá, thối rễ chết cả loạt, huống hồ giờ khuyên họ chỉ dùng mỗi phân hữu cơ và tưới nước.
“Thuyết phục mãi cũng có những người đồng ý chuyển sang làm tiêu hữu cơ. Họ muốn thử xem có khác gì không. Kiểu có bệnh thì vái tứ phương, biết đâu lại cứu được”, ông Nam chia sẻ.
Song, 4 tháng sau đó, truyền thông bất ngờ đưa tin tiêu bị vàng lá, rụng trái rồi chết do bón phân hữu cơ Ong Biển. Trong đó, một số “nhà khoa học” ở địa phương lên tiếng nói cách làm của ông là phản khoa học, không dùng thuốc BVTV thì làm sao phòng trừ cũng như diệt được sâu bệnh hại cây tiêu.
“Gay gắt hơn, họ nói tôi phi đạo đức, là kẻ lừa đảo. Người dân nghe được các thông tin đó lại hoang mang, doạ kiện nếu tiêu chết. Có đại lý bán phân hữu cơ của công ty còn bị chính quyền xử phạt hành chính”, ông nhớ lại.
Những rẫy tiêu hữu cơ xanh tốt, giúp nhiều nông dân có cuộc sống ổn định, thậm chí làm giàu |
Lời hứa 23 ngày với người nông dân
Trong lúc chờ được minh oan, ông cùng các kỹ sư nông nghiệp của công ty xuống tận vườn tìm hiểu nguyên nhân vì sao tiêu lại chết hàng loạt. Khi xuống thì thấy thực trạng hầu như tất cả các rẫy tiêu (dùng nhiều loại phân khác nhau) đều khó phát triển - có vườn chết trên 80%. Đối với những vườn dùng phân Ong Biển cũng có một số cây chết, tuy nhiên mức độ tỷ lệ không nhiều, chỉ ở mức 5%-10%... do mưa nhiều, gốc bị úng nước rồi chết.
Ông hướng dẫn người nông dân đánh rãnh thoát nước, tránh bị úng. Còn những gốc tiêu bị vàng lá, sâu bệnh thì ông khuyên mọi người nên cắt bỏ phần trên, để đoạn gốc phần dưới lại, sau đó bón phân hữu cơ Ong Biển cứu cây.
Nghe nói vậy, họ lại càng không tin, cán bộ nông nghiệp ở địa phương thì nói, nếu không chặt bỏ, phá hết những trụ tiêu bị bệnh đó đi thì lây ra cả vườn.
“Khi ấy, tôi phải hứa với họ nếu làm đúng như những gì tôi nói thì 23 ngày sau cây sẽ hồi sinh, từ gốc cây đã cắt đó sẽ nảy ra những chồi mới. Nếu cây mà vẫn chết thì họ có thể kiện tôi. Họ gật đầu đồng ý làm theo”, ông chia sẻ.
Sau 23 ngày, những trụ tiêu bị cắt gốc đã xanh um. Người trồng tiêu gật gù tâm phục, ngỏ ý muốn mua phân về bón cho cả vườn.
Tương tự, ở những địa phương khác, nhóm ông cũng khuyên nhà vườn nên làm thử nghiệm bằng cách chỉ “bón phân và tưới nước”, không phun thuốc BVTV, không dùng phân hoá học để so sánh. Nếu tiêu vẫn chết, vẫn bị vàng lá, năng suất không cao thì công ty sẽ đền bù thiệt hại.
Tiêu được trồng bằng công nghệ “bón phân hữu cơ và tươi nước” cho quả sai trĩu cành, năng suất cao |
Kết quả, mùa đầu tiên những trụ tiêu chỉ bón phân hữu cơ và tưới nước đã cho mùa bội thu, quả tiêu sai, cây tiêu khoẻ mạnh, lá xanh tốt.
Lúc ấy, cơ quan chức năng tỉnh quyết định lấy mẫu phân hữu cơ sinh học Ong Biển tại đại lý Gia Hân gửi đi Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 TP.HCM xét nghiệm. Kết quả: Hàm lượng cả 4 chất chính đều đạt chuẩn và vượt so với chỉ tiêu công bố, cụ thể chất hữu cơ đạt 24,7%/23%; nitơ tổng (đạm) 5,62%/4%; phốt pho hữu hiệu (lân) 4,16%/3%; kali hữu hiệu 5,33%/3%.
Ông Phương ở Xuân Đông, chủ một nhà vườn trồng tiêu ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai thừa nhận, mới đầu nghe phương thức canh tác hữu cơ chỉ bón phân, tưới nước của ông Trần Ngọc Nam, ông cũng hoài nghi. Song, khi dùng thử thấy cây xanh tốt, khoẻ mạnh thì ông dùng luôn. Đến giờ mới gần 5 năm, đất đai màu mỡ trở lại, cỏ rau mọc dày, bới đất thấy trùn từng nùi từng nùi. Đất có giun trùn mới là đất tốt. Chưa kể, làm tiêu hữu cơ năm chỉ bón phân đôi ba lần, tưới nước rồi thảnh thơi chờ đến mùa thua hoạch.
“Tiêu đẹp, cho năng suất cao nên được giá, thương lái tới tận vườn thu mua”, ông Phương khoe.
Thực tế đã chứng minh “bón phân và tưới nước” của ông Nam là cách làm đúng. Diện tích trồng tiêu, điều, cà phê hữu cơ ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, ông còn liên kết với nông dân ở Quảng Trị làm lúa hữu cơ, cam hữu cơ, thanh long hữu cơ.
“Làm hữu cơ, sản phẩm dễ tiêu thụ, được giá, hệ sinh thái bền vững. Cuộc sống của người dân ổn định hơn, thậm chí nhiều hộ còn làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ”, ông Nam chia sẻ.
Tâm An
Duyên thiện lành của 'phù thủy' cứu cây trường xanh ở khu di tích Phủ Chủ tịch
Gần một thập kỷ tìm người hiến kế, cuối cùng cây trường xanh cũng được cứu sống sau 90 giờ nghẹt thở của ông Trần Ngọc Nam cùng đội thợ cây.