Số liệu thống kê của Cục thống kê TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 15/6), số DN và đơn vị trực thuộc tạm ngưng hoạt động đạt con số kỷ lục với 1.806 DN và đơn vị trực thuộc, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong số này, có 411 DN và đơn vị trực thuộc giải thể, rút khỏi thị trường...
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Liên - Trưởng phòng thống kê tổng hợp (Cục thống kê TP Đà Nẵng), số DN giải thể và tạm dừng hoạt động chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và vận tải du lịch.
Rao bán xe không có người mua
Chị P.K.L chủ nhà xe K.L cho biết, từ tháng 2/2020 đến nay nhà xe của chị bỏ ngỏ, dừng hoạt động vì dịch. Tuy nhiên, chị vẫn phải bỏ ra chi phí thuê bãi đỗ, kiểm định, sửa chữa rất lớn.
Nhiều nhà xe ở Đà Nẵng phải dừng hoạt động lâu nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 |
Cuối tháng 4, chị L. đưa 5 xe đi kiểm định, mua bảo hiểm và thay bình điện với chi phí gần 70 triệu đồng với hy vọng phục vụ đưa đón khách tham quan dịp lễ 30/4, 1/5 và kỳ nghỉ hè. Thế nhưng, dịch bùng phát trở lại làm mọi kế hoạch ngừng trệ.
Không có nguồn thu, mới đây chị L. phải bán 4 chiếc xe để có tiền trả bớt nợ ngân hàng và các khoản vay. Thời điểm này, chị tiếp tục rao bán 8 xe còn lại nhưng không có người mua.
“Xe bán với giá rẻ nhưng không ai mua vì dịch phức tạp không thể tiêu thụ được. Không riêng nhà xe của tôi, ở Đà Nẵng nhiều đơn vị, cá nhân phải bán tháo xe với giá rẻ để cắt lỗ. Bây giờ xe để lại không hoạt động được cũng xuống cấp, hư hỏng, còn dịch thì vẫn diễn biến phức tạp”, chị L. ngán ngẩm.
Là một trong những đơn vị vận tải du lịch lớn ở Đà Nẵng, anh N.S chủ nhà xe H.K kể, công ty của anh có 60 chiếc, thời điểm này phải bán bớt hơn 20 chiếc để cắt lỗ, trả bớt các chi phí ngân hàng. 40 chiếc còn lại nằm bất động nhiều tháng nay ở bãi giữ xe.
Anh S. kể, khi Đà Nẵng bùng dịch nhiều DN lữ hành nước ngoài bất ngờ bỏ về nước khiến công ty hụt một khoản tiền lớn vận chuyển hành khách...
Bãi xe buýt dưới chân cầu Thuận Phước nằm phơi nắng, mưa lâu nay |
“Mới đây tôi đưa xe vào tỉnh Phú Yên chạy nhằm vớt vát phần nào chi phí nhưng tỉnh này bùng dịch nên đành quay về. Hầu hết, DN vận tải du lịch chung cảnh khó khăn. Với DN lớn đã xây dựng thương hiệu lâu nay thì cố gắng cầm cự, còn các đơn vị nhỏ hầu như đã xoay xở bán xe”, anh S. chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, anh N.V.D giọng buồn bã, thời gian qua anh đã bán giúp đồng nghiệp 10 xe khách với giá “rẻ như đi cho”, không đủ trả nợ ngân hàng.
“Xe bán giờ với giá rớt thảm hại. Xe 34 chỗ cuối năm 2018 với giá 1,7 tỷ đồng, thì bây giờ bán được khoảng 800 triệu đồng. Rẻ là thế đó mà nếu không bán cắt lỗ là chìm trong khủng hoảng. Dịch bây giờ không có khách nên bán xe là cách giảm bớt phần nào nợ để tránh bị ngân hàng siết nhà”, anh D. nói.
Theo anh D., mọi năm, vào thời điểm Đà Nẵng bước vào kỳ du lịch hè thì xe không đủ để phục vụ du khách. Nhưng hiện tại, dịch bệnh khiến mọi thứ đóng băng, nhiều nhà xe phải xoay xở bán xe, bán đất để trả nợ.
“Ngoài nhà xe lẻ thì các đơn vị lớn đang phải gồng mình chịu đựng, nếu dịch bệnh còn kéo dài họ sẽ không trụ nổi vì không có nguồn. Tôi nghĩ sau này khi vận tải du lịch hoạt động lại thì có rất nhiều nhà xe giải nghệ”, anh D. buồn bã.
Khách sạn đóng cửa
Anh T.V.M chủ một khách sạn có tên R.V nằm trên đường Ngô Quyền (TP Đà Nẵng) bày tỏ đang lo âu về việc khách sạn đóng cửa.
Khách sạn ở Đà Nẵng đang đối diện với khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng vì dịch |
Anh nói, với số lượng 21 phòng, khách sạn của anh M. đa số luôn trong trạng thái không có phòng trống trong những ngày chưa có dịch, nhưng giờ đây phải cửa đóng, then cài chờ đợi mùa dịch đi qua.
“Với 21 phòng, doanh thu tầm hơn 100 triệu/tháng trong giai đoạn không dịch, nhưng từ khi dịch bùng phát kéo dài đến nay khiến cho việc kinh doanh bị đình trệ, không có khách lưu trú. Do đó, có tháng xem như không còn doanh thu, phải chịu lỗ vì vẫn giữ nhân viên và chi trả các khoản điện, nước”, anh M. thở dài.
Anh chia sẻ, sau tết Nguyên đán, tôi duy trì nhân viên làm việc luân phiên để giảm chi phí, nhưng dịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đến đợt dịch sau ngày 30/4 thì không thể cầm cự được nữa, nên tôi cho nhân viên nghỉ hẳn và đóng cửa.
Theo anh M. khách sạn của gia đình đóng cửa đã được hơn 2 tháng nay, ngày 22/6 được phép mở cửa thì 2 ngày sau phải đóng cửa lại.
“Gia đình cũng chỉ biết chờ đợi hết dịch để mở cửa trở lại chứ bây giờ cũng không biết làm sao", anh M. nói và nhìn nhận, may cho tôi là khách sạn của gia đình không phải thuê nên cũng đỡ hơn nhiều DN khác.
Khó trụ nổi nếu dịch bệnh kéo dài
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Thanh Tâm - Chủ tịch hiệp hội taxi Đà Nẵng cho hay, vận tải taxi đang rơi vào cảnh khó khăn. Lượng khách thực tế hiện nay chỉ đạt khoảng 2 đến 5%.
Khách du lịch không có, nam tài xế taxi bấm điện thoại để giết thời gian |
“Xe bây giờ chủ yếu gửi ở bãi hết, có chạy thì để duy trì cho có vì lượng khách đến sân bay, bến xe hầu như không có, người dân cũng hạn chế đi lại. Dù không hoạt động nhưng chúng tôi phải gánh hàng loạt chi phí như tiền bến bãi, sửa chữa, phí đường bộ, kiểm định...”, ông Tâm nói.
Ông Ngô Tấn Nhị - Phó Chủ tịch hội vận chuyển du lịch Đà Nẵng cho biết, TP có hơn 300 đơn vị vận tải du lịch. Thời điểm này, các đơn vị gần như “đứng bánh”, không hoạt động khoảng 95%.
“Hầu hết các DN đang phải bán xe để cắt lỗ. Thời gian tới, với các đơn vị vận tải du lịch lớn, thành lập lâu năm còn có thể cầm cự lại khi họ có quỹ dự phòng rủi ro. Còn những đơn vị nhỏ không có quỹ dự phòng tôi nghĩ khó trụ lại nếu dịch bệnh kéo dài”, ông Nhị nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng khái quát, hiện nay ngành lưu trú, ăn uống vận tải du lịch đầu tư tài sản lớn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Đã có hơn 90% nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, không có khách. Chỉ có số ít khách sạn duy trì hoạt động khi có khách đăng ký lưu trú dài hạn và phục vụ cách ly những người về từ vùng dịch" - lời ông Dũng.
N.Hiền - H.Giáp - C.Sáng
Đà Nẵng thêm 5 ca dương tính nCoV, có vợ chồng làm ở khu công nghiệp
Sáng nay (11/7), bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn ghi nhận thêm 5 ca dương tính nCoV.