- Đại biểu QH lưu ý dự thảo luật có đến 20 lần nhắc về việc các tổ chức tín ngưỡng, các tôn giáo phải xin phép nhà nước.

Thảo luận về dự thảo luật Tín ngưỡng tôn giáo tại QH hôm nay, ĐB Công Lưu Thành Công (Vĩnh Long) không đồng tình quy định buộc những người có niềm tin tín ngưỡng, các tôn giáo trong quá trình thực hiện hiến chương phải xin phép, tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước. 

{keywords}
ĐB Lưu Thành Công

“Trong dự luật có đến 20 lần nhắc về việc các tổ chức tín ngưỡng, các tôn giáo phải xin phép nhà nước. Ít điều khoản mang tính bảo hộ của nhà nước nhằm thông thoáng, minh bạch, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do hoạt động tôn giáo của mọi người”, ĐB Vĩnh Long nhấn mạnh.

Với việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, cách chức, bãi nhiệm trong các tổ chức tôn giáo, ĐB Công cho đó là quyền của các tổ chức tôn giáo, nhà nước không nên can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. 

Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ xác định tư cách công dân của các nhà tu hành, trên cơ sở đó tôn giáo sẽ quyết định việc phong chức, phong phẩm. Ông đề nghị tách bạch việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử thành 2 điều cho 2 đối tượng khác nhau là chức sắc và chức việc. 

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, tín ngưỡng là nhu cầu của nhân dân, được Hiến pháp bảo hộ tôn trọng. Vì vậy khi ban hành chính sách phải mềm dẻo mang tính tự quản. “Không nên quy định quá sâu, không áp dụng quá nhiều biện pháp hành chính”, bà nhấn mạnh.

ĐB Lê Văn Tấn (Hà Nam) dẫn chứng ngay quy định về hoạt động chia tách các tổ chức tôn giáo là vấn đề nội bộ, chỉ cần báo cáo, không cần xin phép. 

Tín ngưỡng khoác áo chật

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng phần tín ngưỡng trong luật mờ nhạt, khái niệm tín ngưỡng sơ sài. 

{keywords}
ĐB Lê Văn Lai

“Tín ngưỡng lần này khoác một chiếc áo chật hẹp”, ông nhận xét.

Theo ĐB Quảng Nam, tín ngưỡng đi vào lòng dân tộc, được coi là một đạo có tác dụng rất lớn trong đời sống xã hội đó là thờ cúng tổ tiên nhưng dự luật không có quy định.

Ông Lai cho hay, thờ cúng tổ tiên là sức đề kháng nội sinh của dân tộc chống xâm lăng văn hóa. Thờ cúng tổ tiên là yếu tố sâu sắc về văn hóa dân tộc. Vì vậy, ông đề nghị dự luật này nên dừng lại, không nên đưa tín ngưỡng vào mà chỉ điều chỉnh về tôn giáo. Tín ngưỡng cần được chuẩn bị ở một luật riêng. 

“Tôi rất mong muốn có đạo luật riêng về tín ngưỡng một cách đầy đủ, trong đó chú ý đến tín ngưỡng trong thờ cúng tổ tiên”, ĐB Lai bày tỏ.

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cũng cho rằng cần có điều khoản quy định rõ hơn theo hướng phát huy những tập quán, phong tục tốt đẹp, loại dần những hủ tục lạc hậu còn đeo bám trong ý thức một số người. 

Thu Hằng - Ảnh: Hoàng Long