Hà Nội hiện có 541 phường, xã đạt cấp độ 1 (màu xanh, nguy cơ thấp), 29 phường, xã cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình), 9 phường, xã cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) và không có địa bàn nào cấp độ 4 (màu đỏ, nguy cơ rất cao).
Hiện thành phố đã mở lại hầu hết hoạt động kinh doanh, dịch vụ như các cơ sở ăn uống, rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật, khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú, công viên, lễ hội chùa Hương…
Dòng người đến lễ ở phủ Tây Hồ ngày đầu năm. Ảnh: Phạm Hải |
Từ ngày 8/2, học sinh các khối lớp 7 đến 12 đã trở lại trường học trực tiếp. Học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 18 huyện, thị xã sẽ đi học trực tiếp từ 10/2. Học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học trực tiếp từ 14/2.
Với học sinh lớp 1 đến lớp 6 các quận nội thành, Sở GD&ĐT đã trình phương án cho đi học trở lại từ ngày 21/2 tới. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Về phương tiện giao thông, các loại hình như xe buýt, taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ, xe ôm công nghệ… cũng đã hoạt động trở lại. Với các tuyến xe buýt được khôi phục hoạt động với 100% công suất (tần suất, chuyến lượt, phương tiện) và không thực hiện quy định về giãn cách trên xe.
Cho phép mở lại các hoạt động cũng như học sinh đi học trực tiếp, Hà Nội yêu cầu hàng loạt những biện pháp để phòng chống dịch như: Các lái xe phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ, tuân thủ 5K; tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học, bảo đảm y tế trường học được trang bị đầy đủ và sẵn sàng khi học sinh đến trường…
Hiện nay, chỉ còn vũ trường, karaoke, massage, quán bar... chưa được hoạt động. Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, về góc độ chuyên môn, những hoạt động này diễn ra trong không gian kín, thường tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm rất lớn, dù tất cả người trong phòng có thể đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Theo ông Cương, không phải cứ tiêm 2 mũi vắc xin là không nhiễm bệnh nữa và không lây nhiễm cho mọi người.
Ông Cương cho biết, Sở Y tế sẽ cùng với Sở VH&TT, tuỳ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn sẽ tham mưu với UBND TP để có biện pháp phù hợp với loại hình đặc biệt này.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, việc mở lại các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, cho học sinh đi học trực tiếp của Hà Nội là phù hợp.
Theo ông, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn đang được kiểm soát, khi tiêm vắc xin tỷ lệ cao thì số ca mắc nặng không lớn. Thời gian vừa qua hệ thống y tế cơ sở cũng tốt hơn lúc đầu.
Ông Phu cho rằng cần mở cửa đồng bộ, nếu không đồng bộ thì sẽ không thể phát triển kinh tế được, như tạo điều kiện cho người nhập cảnh thì mới du lịch được, có du lịch khách sạn mới có việc…
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc phải tiếp tục theo dõi các ca mắc, đặc biệt là những ca tử vong, xem thời điểm lúc nào không kiểm soát được hệ thống y tế bị quá tải thì phải kịp thời có những hành động ngay.
Ngoài ra, người dân vẫn phải đề phòng, không vì tiêm vắc xin rồi mà buông xuôi, thả lỏng, thực hiện tốt 5K.
Với các dịch vụ như karaoke, bar, vũ trường, massage chưa mở, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, Hà Nội vẫn thận trọng vì số ca nhiễm còn đang cao; các dịch vụ trên cũng chưa thực sự thiết yếu và cần thiết, nếu Hà Nội mở thì phải tăng cường khả năng kiểm soát vì đó là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hương Quỳnh
Hà Nội mở lại lễ hội chùa Hương
UBND TP Hà Nội thống nhất với đề nghị của Huyện ủy Mỹ Đức về việc mở cửa tổ chức phục vụ đón khách về tham quan di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương).