Từ năm 2014, Công an TP.HCM đã phát đi thông báo rộng rãi đến công an các quận, huyện, các ngân hàng và người dân để cảnh báo về chiêu thức lừa đảo qua điện thoại, xưng là cán bộ công an, VKSND, toà án…
Bọn lừa đảo đe doạ đang điều tra nạn nhân liên quan đến vụ án rửa tiền, buôn ma tuý… từ đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền từ tài khoản cá nhân sang tài khoản ngân hàng do chúng yêu cầu rồi chiếm đoạt.
Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy lừa kiểu này.
Tháng 2/2021, VKSND TP Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố nhóm bị cáo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, sáng 6/8/2019, chị H. (ở Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ giới thiệu là nhân viên bưu điện Hà Nội, thông báo chị có bưu phẩm liên quan đến lệnh triệu tập của VKSND do một ngân hàng khởi kiện chị nợ hơn 45 triệu đồng.
Khi chị H. nói mình không nợ số tiền, chị được nối máy tới số điện thoại mà đầu dây bên kia thông báo là số hotline của Cơ quan Công an để được giải đáp.
Ảnh minh họa |
Sau đó một người đàn ông tự xưng là Trung úy Nguyễn Trung Thành nói chuyện với chị H. Người này tiếp tục chuyển máy cho chị H. nói chuyện với người đàn ông khác tự xưng là Nguyễn Hữu Thơ, cán bộ VKSND Tối cao.
Người đàn ông tự xưng là kiểm sát viên nói chị H. là nghi can trong vụ buôn bán ma túy, liên quan đến một ngân hàng, hiện 2 người trong đường dây ma túy này đã bị bắt giữ.
Chị H. tiếp tục được nối máy để nói chuyện với người xưng là Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao.
Người xưng tên Dũng hướng dẫn chị H. truy cập vào địa chỉ website: congan.hanoi113.com rồi nhập số chứng minh thư của chị H. vào thanh tìm kiếm trên trang web.
Lúc này hiện ra 2 văn bản có tên chị H. là “Lệnh bắt tạm giam liên quan đến vụ án ma túy" và "Lệnh yêu cầu chuyển tài sản vào các số tài khoản của cơ quan công an để kiểm tra, xác minh, nếu không liên quan sẽ trả lại trong vòng 24- 48 giờ”.
Tin mọi thứ là thật, khoảng 10h cùng ngày, chị H. đã ra ngân hàng rút tiền tiết kiệm rồi làm thủ tục chuyển khoản ngót 4 tỷ đồng vào hai tài khoản theo chỉ dẫn của nhóm tội phạm.
Ngay sau khi chị H. chuyển tiền, nhóm tội phạm tìm cách tẩu tán số tiền trong tài khoản.
Vào tháng 5/2021, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội điều tra vụ giả danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo trình báo của ông Q. (SN 1943) về việc ông nhận được một cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là công an.
Người này thông báo đang điều tra về vụ án ma tuý liên quan đến ông Q. và yêu cầu ông chuyển tiền cho anh ta để xác minh. Sau khi chuyển 2,6 tỷ vào tài khoản của đối tượng, ông Q. mới biết mình bị lừa.
Liên tục cảnh báo
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM từng chia sẻ rằng, nhóm tội phạm kiểu này đánh vào tâm lý của người dân kém hiểu biết, doạ các nạn nhân, thậm chí làm giả lệnh bắt giam, khởi tố gửi đến nạn nhân làm tăng mức độ nghiêm trọng.
Chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và tiếp tục yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra.
Khi các nạn nhân cố chứng minh không liên quan đến hoạt động tội phạm, sẽ thực hiện theo hướng dẫn. Tiền vừa chuyển nhanh chóng bị rút, hoặc chuyển tới các ngân hàng trong và ngoài nước.
Ông Nam từng đưa ra khuyến cáo, những trường hợp đầu số lạ gọi đến xưng là cán bộ công an, VKSND hay toà án gọi đến để làm việc điều tra, xác minh thì không nên tin.
Bởi lẽ, khi cần thiết, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến địa chỉ của người liên quan, chứ không mời làm việc, thông báo qua điện thoại.
Tháng 11/2021, Bộ TT&TT cũng khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo theo một số kịch bản như: cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia...
Thủ đoạn của bọn chúng đánh vào tâm lý người nghe rồi yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng và tìm cách hù dọa, chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
Theo đại diện Cục Viễn thông, dù được cảnh báo liên tục nhưng nhiều người vẫn không may trở thành nạn nhân của vấn nạn này.
Nhằm đối phó với tình hình phức tạp trên, Cục Viễn thông đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các nhà mạng trong nước triển khai biện pháp kỹ thuật chặn các cuộc gọi giả mạo mục đích lừa đảo.
Tính từ tháng 7/2020 đến tháng 9/2021 các nhà mạng đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo giúp đảm bảo an toàn, an ninh và trật tự xã hội (trong đó tháng 9/2021 đã chặn 3,5 triệu cuộc gọi giả mạo).
Nghe cú điện thoại, người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa ngót 4 tỷ đồng
Nghe cuộc điện thoại, một người phụ nữ ở Hà Nội đã bị nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt ngót 4 tỷ đồng.
T.Nhung