Trước thông tin hàng nghìn m2 hai chiếc hồ có tên Xuân Quế và Sơn Thủy (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) chuẩn bị bị san lấp để chuyển đổi thành đất ở, gần 100 hộ dân tổ 11, 12 đã viết đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp.
Người dân đề đạt mong muốn UBND quận Long Biên giữ lại hai hồ này để làm đẹp cảnh quan, giữ “lá phổi xanh” cho cộng đồng khi quỹ đất công ngày càng thu hẹp.
Ngoài ra, hai hồ này cũng là nơi thoát nước cho khu dân cư khi khu vực này thường xuyên bị ngập khi mưa bão.
Bà Nguyễn Thị Lan, một trong số gần 100 hộ dân kiến nghị xin giữ lại hồ |
Theo người dân, hai hồ tự nhiên của khu dân cư tồn tại gần 4 thập kỷ. Năm 1990, khi đó là xã Ngọc Thụy đã giao thầu cho một số hộ gia đình cải tạo nuôi trồng thủy sản, sau đó các hộ được thuê hồ mở dịch vụ hồ câu, hàng năm đóng thuế theo quy định.
Trong những năm qua, ngoài mục đích nuôi trồng thủy sản, hồ còn là cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh sạch đẹp và có tác dụng hạn chế úng ngập cục bộ trong những đợt mưa lớn kéo dài của khu vực phường Ngọc Thụy.
Người dân cho biết, khu dân cư tổ 11, 12 là khu vực trũng nhất của phường Ngọc Thụy. Ngọc Thụy là vùng trũng nhất của quận Long Biên. Những năm trước, mỗi khi mưa lớn, cả vùng đều bị ngập. Hai hồ rộng gần chục nghìn m2 là nơi thoát lũ, giảm bớt tình trạng ngập úng cho người dân.
Hai hồ Xuân Quế, Sơn Thủy có diện tích hơn 1,2ha sắp bị lấp để làm đất ở |
Điển hình là trận lụt năm 2008, Hà Nội ngập lịch sử. Người dân phường Ngọc Thụy khi đó phải dùng thuyền để di chuyển.
Bà Nguyễn Thị Lan (tổ 11) là hộ trực tiếp thuê một phần hồ Sơn Thủy từ nhiều năm trước. Khi đó, gia đình bà còn được chuyển đổi 1 sào ruộng để đào ao, nối với hồ Sơn Thủy để thả cá. Mấy năm gần đây, bà mở dịch vụ hồ câu để có thêm thu nhập.
“Tôi nhận được thông báo của UBND phường về việc thu hồi hồ Sơn Thủy. Vì thời gian thuê hồ theo hợp đồng của gia đình tôi cũng đã hết nên tôi cũng tuân thủ chấp hành, đã tháo dỡ các chòi xây tạm xung quanh để trả lại cho phường”.
Tuy nhiên, theo bà Lan, người dân nhận được thông tin 2 hồ này sẽ bị lấp để chuyển đổi thành đất ở, phân lô bán nền.
Khu đất kẹt đã được san phẳng nằm liền với 2 hồ đang được thu hồi |
“Hiện tại, ao hồ ở Thủ đô còn lại rất ít, và là những “lá phổi xanh” điều hòa môi trường cho cả cộng đồng. Các dự án cải tạo không gian công cộng, Thành phố luôn chủ trương mở rộng, làm mới các hồ điều hòa. Hai chiếc hồ tự nhiên đã có sẵn, bỗng nhiên lấp hồ lấy đất làm nhà thì rất vô lý” – anh Vũ Đình Tuấn (số nhà 81) bức xúc.
Trước đó, tại phường Ngọc Thụy, nhiều ao hồ cũng đã bị lấp để chuyển đổi thành đất ở. Hai hồ Xuân Quế, Sơn Thủy là những hồ tự nhiên hiếm hoi còn lại. Nếu lấp hết, các không gian xanh của người dân sẽ không còn.
Hiện tại, hai hồ tự nhiên Xuân Quế - Sơn Thủy liền sát nhau được người dân kè xung quanh bờ tạo thành cảnh quan khá đẹp. Mặt nước sạch sẽ, phong quang, không hề có rác thải tích tụ.
Khu đất chuyển đổi đang chờ nối liền với diện tích 2 hồ tự nhiên sau khi được san lấp sẽ trở thành miếng đất vàng của quận Long Biên |
Liền kề với hai hồ có diện tích hơn 1,2ha là khu đất khá rộng, được quây tôn từ vài năm qua. Người dân cho biết, trước đó là đất ruộng “xen kẹt”, đã có chủ, được phân lô thành đất ở. Nếu hai chiếc hồ này bị lấp, sẽ được nối liền với khu đất nói trên trở thành mảnh “đất vàng” với diện tích hàng ha.
Lấp hồ lấy đất ở
Đại diện UBND quận Long Biên cho biết, việc thu hồi hai hồ tự nhiên nói trên nhằm phục vụ các dự án nhà ở.
Người dân mong muốn hồ tự nhiên được giữ lại, nhất là khi dự án nhà ở thương mại được phê duyệt 6 năm trước chưa triển khai. |
Theo đó, từ năm 2016, UBND quận Long Biên phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình có ký hiệu A4/NO4; A8/NO1; A8/NO2; A4/HH2; A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn phường Ngọc Thụy.
Quy mô dự án có diện tích 4,26ha với tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Diện tích hai hồ tự nhiên thu hồi là hơn 12,5 nghìn m2 do hai hộ ông Phạm Xuân Quế, Phạm Thái Long thuê để nuôi trồng thủy sản từ lâu. Tuy nhiên, hai hộ dân nói trên không chấp nhận phương án đền bù đối với phần diện tích đất công bị thu hồi.
Bà Lê Thị Bích Hoài (quyền chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy) cho biết, việc gửi thông báo thu hồi hồ cho người dân thuê để nuôi trồng thủy sản, phường làm theo nhiệm vụ được giao. UBND quận là cơ quan có thẩm quyền, thu hồi để phục vụ dự án đã được phê duyệt!
Dự án được phê duyệt gần 6 năm nhưng chưa triển khai, và việc thu hồi đất công (ao hồ tự nhiên) san lấp làm nhà ở là những lý do khiến người dân không đồng tình. Họ cho rằng, chủ trương này đi ngược lại mong muốn của người dân khi những lá phổi xanh bảo vệ môi trường đang được xã hội quan tâm hàng đầu.
Tạm dừng san lấp hồ Đại Lải chờ kết luận của UBND tỉnh Vĩnh Phúc
Chủ tịch UBND TP Phúc Yên Phan Tiến Dũng xác nhận, thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng thi công để chờ kết luận kiểm tra của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Kiên Trung