Liên quan việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 cho người lao động, người sử dụng lao động, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Sở đã thành lập tổ công tác và phân công trách nhiệm cho các thành viên. 

{keywords}

Người dân quận Thanh Xuân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ vào năm 2020. Ảnh: Hà Nội mới

Các thành viên có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, chủ động tham mưu, đề xuất các ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp.

Sở cũng chủ động liên hệ với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan để nghiên cứu dự thảo quyết định hỗ trợ của UBND TP.

Hiện, nội dung dự thảo quyết định lần thứ nhất đã hoàn thành và được gửi đến các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương lấy ý kiến góp ý. Chậm nhất đến cuối ngày 16/7, Sở sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện, sau đó trình UBND TP xem xét, ban hành.

Ngoài ra, Sở LĐTB&XH đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động.

“Chúng tôi phấn đấu chậm nhất đến ngày 20/7 sẽ trình UBND TP xem xét, ban hành quyết định triển khai hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn. 

Ngay sau khi có quyết định, các sở, ngành, địa phương sẽ triển khai chi hỗ trợ cho các trường hợp đủ điều kiện. 

Ước tính, Hà Nội có hàng trăm nghìn người đủ điều kiện nhận hỗ trợ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng”, bà Hương thông tin.

Người bán nước vỉa hè, cắt tóc... sẽ được hỗ trợ

Đề cập đến tiêu chí để xác định các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội, bà Bạch Liên Hương cho hay, điều kiện, tiêu chí, quy trình, thủ tục để triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được quy định rõ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nên về cơ bản, Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ theo định hướng của Trung ương.

Riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, trước khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này. Việc này do Cục Thuế TP Hà Nội chủ trì thực hiện. 

Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành LĐTB&XH cùng ngành Thuế sẽ rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi người chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.

Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó là những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP và các địa phương (bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa…). Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ.

Điều này đồng nghĩa, có thể cùng là lao động tự do, nhưng người lao động ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn các địa phương khác. Tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau.

Bà Hương thông tin, trong dự thảo quyết định của UBND TP,  Sở đề xuất một số tiêu chí ràng buộc, như người lao động phải thường trú, tạm trú tại địa phương nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ, hoặc phải được địa phương cam kết quản lý. 

Sở cũng đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng phần mềm kết nối toàn bộ thông tin về các đối tượng đề nghị hỗ trợ trên một phần mềm, để các cơ quan chức năng cùng theo dõi, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện các đối tượng bị trùng lặp.

“Điều gì tốt nhất cho người lao động, Hà Nội sẽ áp dụng, đồng thời đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà Hương khẳng định.

Trao đổi thêm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh: “Tinh thần của Sở là triển khai thần tốc, khẩn trương, lắng nghe ý kiến, góp ý xây dựng dự thảo; từ cơ quan thực hiện phân công rõ người, rõ trách nhiệm, cụ thể từng hồ sơ, từng trình tự, đảm bảo công khai, minh bạch, không trục lợi chính sách”.

Từ cuối tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, toàn TP Hà Nội đã hỗ trợ cho tổng số 515.515 người, với số tiền hơn 608 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm đối tượng là người lao động và hộ kinh doanh có 130.107 người được hỗ trợ với số tiền gần 131,6 tỷ đồng. Nhóm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên có 1.303 người được hỗ trợ với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. 

Nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) có 125.313 người được hỗ trợ với số tiền hơn 125 tỷ đồng...

 

Bộ trưởng LĐTB-XH:  Nhanh chóng mang tiền hỗ trợ lúc này mới có ý nghĩa

Bộ trưởng LĐTB-XH: Nhanh chóng mang tiền hỗ trợ lúc này mới có ý nghĩa

Người dân đang gặp khó khăn, nên các tỉnh cần nhanh chóng mang tiền đến hỗ trợ lúc này mới có ý nghĩa. 

Hương Quỳnh