Sáng 28/6, PV đã liên hệ một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để tìm hiểu về động thái tiếp tục nới lỏng hơn nữa công tác phòng dịch Covid-19 của TP Hà Nội.
Theo vị lãnh đạo này, do tình hình dịch bệnh trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là tại TPHCM nên Hà Nội vẫn đánh giá là địa phương có nguy cơ cao. Chính vì vậy, hiện CDC Hà Nội chưa có tham mưu, đề xuất gì về việc nới lỏng hơn nữa công tác phòng dịch Covid-19.
Tiếp tục chia sẻ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội, vị lãnh đạo này cho hay, ngày 26/6 vừa qua, huyện Đông Anh mới ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 nhưng điều này "không ảnh hưởng nhiều", "không có gì đáng ngại, lo lắng" vì các F1 được kiểm soát đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
"Cái chính là dịch bệnh ở TPHCM còn phức tạp, diễn biến khó lường. Hà Nội vẫn có nguy cơ cao cho nên đến lúc này, phía CDC chưa có đề xuất gì thêm" - vị này phân tích.
Trước đó, chiều 25/6, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, vừa đảm bảo phát triển hoạt động kinh tế, từ 0h ngày 26/6, UBND TP Hà Nội đã cho phép hoạt động trở lại thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không quá 20 người trong một khu vực; cho sân golf, sân tập golf hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, căn cứ tình hình thực tế và đề xuất của các đơn vị về việc nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, từ 0h ngày 22/6, UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa trở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu… nhưng phải tuân thủ một số quy định. Riêng quán rượu, quán bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa cho phép quán rượu, quán bia, bia hơi được phục vụ khách hàng tại chỗ; chưa cho mở cửa trở lại phòng gym, spa, massage, quán karaoke, rạp chiếu phim…
Lý do Hà Nội chỉ cho hàng quán mở cửa đến 21h
Nhiều chủ quán hàng vui mừng khi được mở cửa kinh doanh phục vụ khách ăn uống tại chỗ, nhưng cũng băn khoăn vì sao thành phố Hà Nội quy định phải đóng cửa trước 21h đêm.
Theo Dân trí