Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Công điện số 21 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới.

Theo đó, từ 6h ngày 14/10, UBND TP điều chỉnh một số hoạt động trên địa bàn Thành phố.

{keywords}
Hà Nội cho phép cửa hàng phục vụ ăn uống tại chỗ. Ảnh: Phạm Hải

Cụ thể: Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.

Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.

Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch.

Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.

Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh  Covid-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia.

UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã giám sát, theo dõi sức khỏe và xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 theo quy định và hướng dẫn của ngành Y tế đối với những người cư trú trên địa bàn khi trở về từ địa phương, khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

Hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin mũi 2, ưu tiên tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi, công nhân các Khu/Cụm Công nghiệp, lực lượng vận chuyển, người làm việc tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như trung tâm thương mại, siêu thị,… theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Sở Y tế chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch.

Căn cứ tình hình dịch trên địa bàn, tham mưu UBND TP, Ban Chỉ đạo TP phòng, chống dịch Covid-19 công bố mức độ dịch và các biện pháp áp dụng tương ứng.

Sở Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, quy định tạm thời của Bộ Giao thông vận tải và chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP để hướng dẫn, tổ chức hoạt động liên quan vận tải, vận chuyển hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy hoạt động vận tải hành khách, giao thông, vận tải liên tỉnh, lưu thông hàng hóa trên địa bàn TP phù hợp điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Công an TP đảm bảo công tác an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các lực lượng chức năng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và bố trí lực lượng để tổ chức phân luồng, hướng dẫn kiểm tra giao thông và kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vắc xin của Bộ Y tế.

Toàn văn Công điện 21 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về mở cửa 1 số hoạt động dịch vụ, xem TẠI ĐÂY

Hương Quỳnh

Phó Chủ tịch Hà Nội tiết lộ thời điểm Thủ đô mở cửa trở lại

Phó Chủ tịch Hà Nội tiết lộ thời điểm Thủ đô mở cửa trở lại

Hà Nội xác định thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhưng cũng quyết tâm bảo vệ, giữ vững thành quả chống dịch đã có được. Sau khi tiêm phủ vắc xin mũi 2 đủ 14 ngày, Hà Nội sẽ mở cửa trở lại.