
Đại diện các bộ và sở Nội vụ 20 tỉnh, thành phía Bắc đã góp ý cho dự thảo bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính (CCHC) hôm qua (19/7) tại Hải Phòng, trong hội thảo do Bộ Nội vụ và UNDP tổ chức.
Dự thảo mới chỉ dành 2 điểm cho về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong tổng số 10 điểm đánh giá cho lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính.
![]() |
Điều quan trọng là người dân, doanh nghiệp được hưởng gì từ cải cách hành chính. Ảnh: Minh Thăng |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, đại diện UNDP, nhận định: "Với việc hầu hết thông tin lấy báo cáo địa phương, nội bộ báo cáo và cho điểm thì việc để đối phó với bộ chỉ số không có gì khó khăn. Làm sao chủ động, kịp thời lấy được các thông tin một cách đều đặn, tự động trên hệ thống mới đảm bảo được tính chuẩn xác của thông tin. Đồng thời, chuyển hướng tiếp cận để có thêm ý kiến đóng góp của phía người sử dụng dịch vụ, tối thiểu cũng phải đạt tỷ lệ 30%".
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa cũng nhận thấy đánh giá của người dân với TTHC mà chỉ ở thang điểm 2 là quá thấp: "Cái khách quan nhất lại chỉ cho có 2 điểm".
Chuyên gia cải cách hành chính Đặng Đức Đạm đề xuất: "Cần tăng tính khách quan của bộ chỉ số, tăng tiêu chí phản ánh tác động của hoạt động CCHC, xem người dân, doanh nghiệp, xã hội được hưởng gì từ CCHC chứ không chỉ là cải cách những gì. Bộ chỉ số chủ yếu mới đánh giá ở đầu vào, cần phối hợp với một loạt chỉ số khác đang được xây dựng".
Ông Đinh Duy Hòa cho biết sau hội thảo này, sẽ điều chỉnh bộ chỉ số theo hướng tăng phần đánh giá của người dân, doanh nghiệp, phần tự đánh giá chỉ chiếm từ 60% - 70%.
Đầu tháng 8 tới, một hội thảo lấy ý
kiến các bộ, ngành và địa phương phía Nam sẽ diễn ra ở TP.HCM. Dự kiến, bộ chỉ
số sẽ được ban hành và áp dụng thí điểm cuối năm nay ở 6 tỉnh và 4 bộ.
Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC được áp dụng tại cấp bộ có 37 tiêu chí, cấp tỉnh có 41 tiêu chí, với thang điểm 100. Có 6 lĩnh vực, tiêu chí chung: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới cơ chế quản lý đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, với cấp tỉnh, có hai lĩnh
vực riêng gồm xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật
tại địa
phương; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với 8 tiêu chí cụ
thể,
thang điểm 20. Đối với cấp bộ, có thêm xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách quản lý đối với ngành, lĩnh vực; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực - có 8 yếu tố đánh giá với thang điểm 24. |
Thanh Vân