XEM CLIP:

Khối bê tông nằm giữa đường dẫn vào cao tốc TP.HCM- Long Thành khiến thanh niên chết thảm do Ban quản lý giao thông đô thị số 2 quản lý.

Trưa nay, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý đô thị số 2 (Khu 2), Sở GTVT TP.HCM xác nhận, khối bê tông nằm giữa đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành khiến thanh niên chết thảm do Ban quản lý giao thông đô thị số 2 quản lý.

Theo vị Giám đốc Khu 2, từ hồi lắp đặt (năm 2017) tới nay, đây là vụ tai nạn giao thông chết người đầu tiên liên quan dải phân cách bằng bê tông.

Theo ông Hùng, trước khi lắp đặp khối bê tông, có rất nhiều ô tô, xe tải cố tình đi vào làn đường xe máy gây va quẹt tai nạn. Sau đó, Khu 2 có lắp đặt hệ thống khung barie bên trong làn đường dành cho xe máy nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn.

{keywords}
Đoạn đường dẫn cao tốc, nơi có khối bê tông nằm giữa đường khiến nam thanh niên chết thảm

“Từ đó, chúng tôi bổ sung dải phân cách bằng bê tông phía làn đường xe máy. Trước dải phân cách, Khu 2 cũng có gắn cọc tiêu nhựa để dẫn hướng cho các xe đi vào làn phù hợp”- ông Hùng thông tin. 

Về trách nhiệm liên quan, ông Hùng cho biết cơ quan chức năng đang làm rõ. Trước mắt Khu 2 sẽ nghiên cứu cách lắp camera để phạt nguội ô tô, xe tải đi vào làn xe máy để xóa bỏ dải phân cách cứng bằng bê tông, tránh xảy ra tình trạng mất an toàn như trên.

Khi được hỏi, việc bố trí dải phân cách như vậy có đúng quy chuẩn không? Đại diện phòng quản lý hạ tầng, Sở GTVT cho hay: "Không có quy định cụ thể, tuy nhiên bố trí như vậy đảm bảo 2 làn xe 2 bánh và đã bố trí đầy đủ các biển báo có liên quan..." 

Không đảm bảo an toàn nhưng vẫn tồn tại  

Được biết, khu vực xảy ra tai nạn là đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành thuộc tổng thể dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Toàn bộ tuyến cao tốc dài 55 km, trong đó có 4 km đầu đi qua địa bàn quận 2 và quận 9 (TP.HCM) nối nút giao An Phú đến đoạn giao với đường vành đai 2 (vòng xoay Phú Hữu) được TP.HCM giao Khu 2 quản lý, phần còn lại của cao tốc do công ty cổ phần dịch vụ cao tốc Việt Nam quản lý.

{keywords}
Đường màu đỏ song song với đường CT01 (ký hiệu đường cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây) là đoạn đường dẫn cao tốc dài 4km từ nút giao An Phú đến vành đai 2 cho xe máy lưu thông. Ảnh: Google Maps

Khi mới đưa vào sử dụng, đoạn đường 4km không có làn đường dành cho xe máy. Đến đầu năm 2017, Bộ GTVT chấp thuận phương án cho xe máy chạy vào cao tốc này (đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2) theo đề nghị của UBND TP. Tuy nhiên, các xe chỉ được lưu thông ở làn dừng khẩn cấp theo tính chất đường đô thị.

Phương án được đưa ra dựa trên đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea). Horea cho rằng đường dẫn lên cao tốc, đoạn từ đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) đến đường vành đai 2 - Võ Chí Công đang có 4 làn ô tô, trong số đó 2 làn dừng khẩn cấp chỉ cho ô tô lưu thông, đường khá thông thoáng.

Đơn vị này đề nghị cho xe máy vào đoạn dẫn cao tốc này để sử dụng hết hạ tầng giao thông, giảm tải lưu lượng phương tiện lên các tuyến đường Vành Đai 2, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh.

Khi đó, làn dừng khẩn cấp rộng 3 m được chuyển đổi thành làn đường dành cho xe máy. 

Liên quan đến vấn này, ông Lê Ngọc Hùng thừa nhận việc lấy một phần lòng đường dẫn cao tốc để làm đường cho xe máy lưu thông không đảm bảo an toàn giao thông. 

Ông Hùng cho biết, TP đã và đang triển khai phương án khắc phục tình trạng này.

“Hiện nay, TP đang triển khai hệ thống 2 tuyến đường song hành đoạn từ nút giao An Phú về đường vành đai 2; Sau khi 2 tuyến đường này hoàn thành, sẽ tính đến phương án không cho xe máy chạy vào phần đường dẫn cao tốc nữa”, ông Hùng nói.

Thanh niên chết thảm vì dải bê tông chình ình giữa cao tốc

Thanh niên chết thảm vì dải bê tông chình ình giữa cao tốc

Thanh niên đi xe máy tối qua trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành bất ngờ tông vào khối bê tông giữa đường, tử vong.

Tuấn Kiệt