Ghi nhận chiều 7/7, người dân TP.HCM tiếp tục đổ về các siêu thị, trung tâm thương mại để mua thực phẩm thiết yếu.
Người dân đổ xô vào siêu thị mua thực phẩm chiều 7/7 |
Trên đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), hai siêu lớn là Co.opmart Trường Chinh và Big C Trường Chinh xảy ra tình trạng đông đúc. Nhiều mặt hàng bày bán ở đây như thực phẩm, thịt, rau... đều vơi.
Lượng khách quá đông nên không tránh khỏi tiếp xúc gần nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thậm chí, tại siêu thị Big C dù mới 15h chiều nhưng đã có cả trăm khách xếp hàng dài để chờ thanh toán. Nhiều người chờ 2 tiếng nhưng vẫn chưa đến lượt.
Người dân xếp hàng dài để tính tiền |
Các quầy tính tiền quá tải, nhân viên siêu thị phải làm việc liên tục |
Mỗi người dân đều mua rất nhiều đồ, nên việc tính tiền càng kéo dài |
Anh Nguyễn Hoàng Linh (ngụ Tân Phú) cho biết, những ngày qua tình hình dịch Covid-19 rất phức tạp, hàng loạt chợ truyền thống và thậm chí tất cả các chợ đầu mối đều dừng hoạt động nên anh lo sợ thiếu nguồn cung thực phẩm.
“Chợ truyền thống gần nhà đã dừng hoạt động nên tôi phải vào siêu thị để tìm mua một số hàng thiết yếu như thịt, rau, củ, quả. Mặc dù tôi chọn thời điểm đầu giờ chiều để đi mua nhưng siêu thị rất đông”- anh Hoàng Linh bày tỏ.
Do số lượng quá đông đã xảy ra tình trạng không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống dịch Covid-19 |
Chờ đợi 2 tiếng nhưng chưa đến lượt thanh toán, người phụ nữ ngồi xuống sảnh để nghỉ |
Chị Nguyễn Phương (ngụ quận Tân Bình) cũng chia sẻ, khá lo lắng khi đi siêu thị trong thời điểm dịch đang bùng phát mạnh.
“Tôi đi mua một lần để dành cho 15-20 ngày luôn. Dịch bệnh cần hạn chế đến nhưng nơi đông người nhưng hôm nay đông quá, chờ gần 2 tiếng thanh toán nhưng vẫn chưa đến lượt”- chị Phương lo ngại cho biết.
Tại siêu thị Citimart trên đường Cao Thắng (quận 3), mặc dù mới đầu giờ chiều nhưng nhiều mặt hàng tươi sống như thịt, cá, trứng và rau xanh là hết sạch.
Theo nhân viên siêu thị, người dân đến đây đông từ sáng, nhưng do siêu thị chỉ cho vào từng đợt 15-20 người nên không có tình trạng ùn ứ hay xếp hàng kéo dài. Những người đến sau có thể ngồi chờ xếp hàng bên ngoài theo đúng giãn cách.
Kệ rau tươi và nhiều sản phẩm đã hết sạch |
Siêu thị chỉ cho lượng người có hạn vào nên người dân chờ tính tiền cũng rất nhanh chóng |
Nhân viên cũng cho biết, các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá sẽ về mỗi ngày vào sáng sớm nên người dân không phải lo hết đồ ăn.
Kệ chứa rau, củ quả trống rỗng tại siêu thị Co.oopmart Trường Chinh |
Nhiều mặt hàng rau tươi hầu như không còn |
Khu vực bán thực phẩm tươi sống cũng trống trơn |
Người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống, rau củ quả để về dự trữ |
Khu vực bày bán thịt heo đã vơi |
Kệ bỏ hàng tươi sống siêu thị Big C đã trống một bên, bên còn lại chỉ còn số lượng rất ít. |
Mỗi người dân đều mua khá nhiều đồ khiến việc tính tiền nhiều lúc quá tải |
Xếp hàng vào trung tâm thương mại Aeon Tân Phú |
Không chỉ siêu thị, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng xảy ra tình trạng 'cháy hàng'. |
Nhiều khay hàng trống rỗng |
Trước tình trạng người dân đổ xô tích trữ hàng hóa trong những ngày qua, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, việc tập trung lượng người mua sắm tại cùng một thời điểm đã tạo nên sự thiếu hụt nhất định.
Vì vậy, Sở đã làm việc với các chuỗi cung ứng để kịp thời tăng nguồn hàng, tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng. TP Thủ Đức và các quận - huyện cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các kênh bán hàng trực tuyến, đi chợ thay cho người lớn tuổi,…
Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, gần 2.500 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm.
Lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp bình ổn, lượng hàng thông qua các tiểu thương hoạt động tại 3 chợ đầu mối vẫn về TP.HCM với khối lượng tương đối dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống.
Tuấn Kiệt - Hồ Văn - Đ.Bảo
Giám đốc Sở Công thương TP.HCM: Chúng tôi trữ 120.000 tấn hàng, mong bà con đừng lo lắng
Trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, thành phố không thiếu hàng hóa. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi mua hàng quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.