LTS: Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của các doanh nghiệp mà cũng là câu chuyện của các cơ quan báo chí. Phát triển báo điện tử, xây dựng các trang fanpage trên Facebook, lập các kênh Youtube đáp ứng nhu cầu của bạn đọc là những hướng đi có thể giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu.
Cạnh tranh quyết liệt, thị phần thay đổi
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề nguồn thu lại nóng bỏng như hiện nay đối với nhiều cơ quan báo chí - đặc biệt là những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Sự khó khăn về nguồn thu đã xuất hiện trong nhiều năm qua. Với mỗi cơ quan báo chí, thời điểm và mức độ khó khăn khác nhau. Tuy nhiên, vừa qua, khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đều gặp khó khăn.
Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân. |
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi phát cuối năm 2007, đầu năm 2008 xuất phát từ Mỹ đã khiến hàng chục ngàn tờ báo, trong đó có những tờ báo có tuổi đời hơn 100 năm đã phải đóng cửa do bị thu hẹp nguồn thu. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, sự lên ngôi của báo điện tử, đặc biệt là mạng xã hội trong thời gian gần đây đã khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Quan sát trên tổng thể, có thể nhìn thấy trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nguồn thu bị giảm do các doanh nghiệp, tập đoàn cắt giảm nguồn chi phí quảng cáo tiếp thị. Sau đó, khi kinh tế bắt đầu phục hồi, thay vì tập trung kinh phí cho quảng cáo trên báo in như trước, phần lớn tập đoàn, doanh nghiệp đã tái cấu trúc và thay đổi chiến lược quảng bá thương hiệu bằng cách chia nhỏ nguồn kinh phí. Trong đó, một phần doanh nghiệp đưa vào chi phí quảng cáo, quảng bá trên các báo điện tử có uy tín, lượng view, visits cao; một phần kinh phí được đưa vào các chương trình quảng cáo, quảng bá, tài trợ các games show, chương trình từ thiện - xã hội trên các kênh truyền hình. Một phần kinh phí khác họ bắt đầu tự đầu tư, xây dựng các kênh quảng bá, quảng cáo của chính doanh nghiệp mình dựa trên các nền tảng số.
Trong 2-3 năm gần đây, mạng xã hội phát triển mạnh, chiếm ưu thế trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, năm 2019 có khoảng hơn 60 triệu tài khoản mạng xã hội. Mỗi người có thể sở hữu 2-3 tài khoản mạng xã hội, phổ biến nhất vẫn là Facebook, Youtube, Zalo, Instargram... Cơ cấu tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp đã có sự thay đổi mạnh. Thay vì phân bổ phần lớn kinh phí vào các chương trình truyền hình, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào mạng xã hội, các nền tảng số xuyên biên giới vì số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng quá nhanh, chiếm đa số.
Năm 2019, nguồn thu của nhiều đài truyền hình bị giảm. Nhiều trailer, video clip quảng cáo của các doanh nghiệp, tập đoàn uy tín đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các kênh Youtube. Chính sách trả tiền cho những video clip có lượt view cao của Google đã kích thích mạnh mẽ các youtuber, khiến các kênh kiểu như Bà Tâm V-log, Khá Bảnh, Huấn Hoa hồng... mọc lên như nấm sau mưa. Có những youtuber lập công ty, sử dụng uy tín, thương hiệu cá nhân, đầu tư bài bản, tuân thủ pháp luật trong quá trình sản xuất các video clip. Nhưng cũng có không ít youtuber bất chấp đạo lý, sẵn sàng vi phạm pháp luật để săn tin, quay những video thu hút người xem nhằm kiếm tiền.
Trong “cơn sốt” làm video clip kiếm tiền, không ít phóng viên, biên tập viên của một số báo/đài chấp nhận nghỉ việc để lập nhóm sản xuất video clip cung cấp cho Youtube; có một số nhà báo vừa hoạt động báo chí, vừa tranh thủ sản xuất video clip tung lên kênh cá nhân khiến công việc tại cơ quan bị sao nhãng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cơ quan.
Một số doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng các kênh truyền thông riêng trên nền tảng số. Có doanh nghiệp đầu tư xây dựng mạng xã hội, app báo chí... với mục tiêu sẽ từng bước tạo ra ảnh hưởng trong xã hội và tiến tới tạo nguồn thu. Tuy nhiên, đây hãy còn là một câu chuyện dài và nếu doanh nghiệp không trường vốn, thiếu kỹ năng quản trị, không thu hút được sự quan tâm của cộng đồng... có thể có kết cục không mấy sáng sủa trong tương lai. Có thể xem truyền thông hiện nay là một thị trường khá hấp dẫn, nhưng càng hấp dẫn thì càng khắc nghiệt - âu đó cũng là quy luật muôn đời!
Như vậy, sau 10 năm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng với sự lên ngôi của công nghệ 4.0, chiến lược quảng cáo, quảng bá, đầu tư phát triển thương hiệu của phần lớn doanh nghiệp đã thay đổi rất cơ bản. Bên cạnh đó, thị phần cũng thay đổi và bị cạnh tranh khốc liệt - không chỉ giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa các báo in truyền thống với các báo điện tử đã đủ trưởng thành, năng động và có nhiều lợi thế trong bối cảnh mới; sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thống với mạng xã hội.
Chuyển đổi số là việc của báo chí
Các báo in đã chịu thiệt hại nặng nề từ sự thay đổi này - nhất là những tờ báo “ra sạp”. Có những tờ báo, vào thời điểm hoàng kim, mỗi ngày có thể xuất bản 20-30 trang quảng cáo - nhiều hơn số trang nội dung. Nhưng chỉ trong 1-2 năm gần đây, số trang quảng cáo trên các báo in đã giảm mạnh. Có báo, từ chỗ hàng chục trang quảng cáo, đến nay chỉ còn 4-8 trang, có số thậm chí chỉ còn 2 trang, trong đó phần lớn là rao vặt, bố cáo thành lập công ty, thay đổi trụ sở, tin buồn...
Báo in chịu thiệt hại nặng nề. |
Thay vì đơn thuần quảng cáo một sản phẩm như trước đây, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp có xu hướng sử dụng hình thức viết bài PR - trong đó người viết có thể là phóng viên, có thể là nhân viên của doanh nghiệp nhưng thường có các điểm chung như: ca ngợi nhiều hơn là phê phán; người viết cố gắng tạo ra sự khách quan tối đa với đơn vị mình đang viết và có khoản thu phí theo quy định. Đương nhiên, các tòa soạn đều cố gắng kiểm soát nội dung để không vi phạm pháp luật, không vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp và đảm bảo đạo đức xã hội. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hình thức các bài viết PR như vậy dễ đi vào tâm trí khách hàng và giúp họ bán được hàng tốt hơn so với quảng cáo sản phẩm một cách thông thường. Đối với không ít cơ quan báo chí, đây là hình thức tạo nguồn thu để tái đầu tư, chăm lo đội ngũ. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong hiện tại và cả tương lai.
Khoảng 20 năm trước, nếu doanh nghiệp muốn chọn vị trí đắc địa hoặc cần đăng thông tin khẩn cấp trên trang quảng cáo một số báo in có uy tín thường phải cậy nhờ thông qua các mối quan hệ, hoặc phải xếp hàng, “đặt gạch”. Còn hiện nay, để tồn tại, phần lớn các cơ quan báo chí tự chủ tài chính phải xây dựng các đội, nhóm sale, tiếp thị để đến các doanh nghiệp, ngân hàng mời gọi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Không ít cơ quan đã tháo “vòng kim cô” - cho phép phóng viên được lấy quảng cáo, tham gia viết bài PR để tăng nguồn thu, duy trì bộ máy. Đây là điều mà trước đây một số báo từng cấm.
Trong bối cảnh như hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của các doanh nghiệp mà cũng là câu chuyện của các cơ quan báo chí. Phát triển báo điện tử, xây dựng các trang fanpage trên Facebook, lập các kênh Youtube đáp ứng nhu cầu của bạn đọc là những hướng đi có thể giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là kinh phí đầu tư từ đâu khi phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với tình hình mới. Tại một số cơ quan báo chí, nhiều nhà báo được đào tạo để làm báo in, giỏi nghề, vững vàng về chính trị nhưng khả năng tiếp cận với công nghệ cao hạn chế, không phù hợp với các phương tiện truyền thông có ứng dụng công nghệ mới và mạng xã hội.
Giải bài toán tổng hợp
Bài toán nguồn thu cho các cơ quan báo chí tuy có cùng kết quả là sự tồn tại và phát triển, nhưng có nhiều phương pháp giải khác nhau. Chắc hẳn, mỗi Ban Biên tập, Tổng Biên tập/Giám đốc - Tổng Giám đốc của mỗi cơ quan báo chí sẽ có cách của riêng mình.
Tổng Biên tập báo Người Lao Động trao cờ Tổ quốc và túi sơ cấp cứu cho ngư dân. |
Theo thiển ý của chúng tôi, để giải bài toán hóc búa này, cần phải có một loạt giải pháp mang tính tổng hợp:
Thứ nhất, cần cải tiến mạnh mẽ nội dung, vừa đảm bảo tôn chỉ-mục đích, vừa mang đậm tính dân sinh, phản ánh sâu sát hơi thở cuộc sống. Tại báo Người Lao Động, tiêu chí thông tin không chỉ là “mới - nhanh- hấp dẫn” mà còn “trách nhiệm và nhân văn”. Bên cạnh đó, góc nhìn của các bài viết cần độc đáo, mới mẻ, sáng tạo, nhân văn, theo hướng “không chỉ cung cấp thông tin mà còn cung cấp góc nhìn”.
Thứ hai,bộ phận phát hành phải đảm bảo tờ báo có mặt trên sạp ở những khu vực, thành phố đông dân cư, rộng khắp trên cả nước. Điều này không chỉ giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu từ phát hành mà còn tạo động lực thu hút nguồn quảng cáo.
Thứ ba,bộ phận quảng cáo phải năng động xây dựng kế hoạch tiếp thị, chủ động đến với khách hàng thay vì chỉ “ngồi chờ sung rụng” như trước.
Thứ tư, công tác hoạt động xã hội - từ thiện cần được quan tâm nhiều hơn. Với cách làm công khai, minh bạch, hiệu quả, các hoạt động từ thiện - xã hội sẽ góp phần củng cố và phát triển thương hiệu cơ quan báo chí. Từ đó, sẽ góp phần thu hút các nguồn lực cho sự phát triển trong tương lai.
Thứ năm, các cơ quan báo chí, tùy điều kiện, quy mô, đặc thù, có thể tạo ra sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. Việc thu phí truy cập báo điện tử có thể thực hiện trong tương lai, nhưng nếu không có sự liên kết giữa các báo sẽ khá khó khăn để đi đến thành công.
Thứ sáu, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm đối tác, chuẩn bị nguồn lực để phát triển báo điện tử và các kênh mạng xã hội, tạo nguồn thu lâu dài. Trong quá trình này, nên triệt để tận dụng sức mạnh của từng công cụ đang có để tạo ra sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh nguồn thu, phát triển lâu dài.
Thứ bảy, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu cá nhân các nhà báo đang công tác tại cơ quan và thương hiệu cơ quan báo chí. Điều này đòi hỏi một chiến lược dài hạn, kiên trì. Nhưng nếu làm tốt sẽ góp phần làm tăng nguồn lực, nâng cao nguồn thu trong tương lai. Có thể biến giá trị vô hình thành giá trị hữu hình.
Thứ tám, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực theo hướng vững chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông công nghệ; đào tạo “phóng viên đa nhiệm”: vừa viết, vừa chụp ảnh, vừa quay phim. Đồng thời xây dựng văn hóa làm việc tích cực, có trách nhiệm và nhân văn với cộng đồng, với đồng nghiệp; làm hết việc chứ không hết giờ.
Tô Đình Tuân
Thu phí độc giả thực sự là xu hướng của báo chí
Để thu phí đạt hiệu quả, các tòa soạn phải định hướng sản xuất nội dung để độc giả trả tiền là chuyên sâu vào các lĩnh vực cụ thể và phải đầu tư xứng đáng để nâng cao chất lượng bài viết.
Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí phải được tính đến trước tiên
Cần thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm đối tác, chuẩn bị nguồn lực để phát triển báo điện tử ... Đó là ý kiến đáng lưu tâm trong việc tìm kiếm nguồn thu phù hợp cho các cơ quan báo chí.
Đi tìm lời giải cho bài toán kinh tế báo chí
Làm kinh tế trong báo chí là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế, song trên thực tế, câu chuyện kinh tế báo chí vẫn còn nhiều tâm tư, cần có sự thay đổi từ nhiều bên liên quan.
Nhà báo Lê Xuân Sơn: 'Báo chí đen' đang ở mức nghiêm trọng
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong nói, ngay cả tờ báo của ông cũng bị báo chí đen đe dọa sau khi lời mời chào quảng cáo của họ bị từ chối.
Lời gan ruột của doanh nghiệp về 'báo chí đen' sau khi bị dọa
Nhiều doanh nghiệp khắp cả nước gửi lời cảm ơn báo VietNamNet sau loạt bài về “báo chí đen”. Họ chia sẻ câu chuyện của mình với nỗi ám ảnh vì bị đe dọa “nếu không ngoan”.
Làm báo đúng tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế nạn "hổ báo cáo chồn"
Thực trạng một số phóng viên quấy nhiễu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không phải là chuyện mới. Ngay cả khi chủ trương quy hoạch báo chí đang diễn ra quyết liệt những hành vi này chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm.
Lãnh đạo các Sở TT&TT lên tiếng về nạn "hổ báo cáo chồn"
Lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh Quảng Nam, TP.HCM, Đà Nẵng nêu thực trạng, nhiều cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn mà chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Cảnh báo một bộ phận nhà báo ‘mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy’
Nhiều doanh nghiệp thời nay không sợ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà lo sợ nhất là một bộ phận phóng viên, nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”.
Phát cả tờ rơi xuống từng xã để nhận diện... phóng viên
Khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều văn phòng thường trú, văn phòng đại diện và có hàng trăm nhà báo, phóng viên hoạt động. Đau lòng, khi có nơi chính quyền phải in cả tờ rơi xuống từng xã nhận diện đâu là phóng viên thật, giả...
“Nội soi" tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp
“Có lần chúng tôi gặp một sự cố nhỏ về môi trường. Một phóng viên gọi đến dọa rằng không ký hợp đồng 100 triệu thì “phang” bài” - Đây là một chuyện không hiếm gặp qua lời kể của một đại diện truyền thông một tập đoàn lớn.
Hàng loạt phóng viên tống tiền vướng vào lao lý
Số người làm báo bị xử tù vì tống tiền tổ chức, cá nhân không còn là cá biệt. Điều này không chỉ để lại những hệ lụy cho bản thân họ mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của những người làm báo chân chính...