- Ngày gặp gỡ, tình cờ, phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh diện chiếc áo dài màu đỏ sậm thêu hoa, bà Nguyễn Thị Bình mặc áo dài màu nâu đậm cũng thêu hoa. Cả "hai chị em" đều quàng hờ một chiếc khăn tô điểm, người thích màu trắng, người chọn khăn hoa ton sur ton.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tay bắt mặt mừng gặp lại phu nhân của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
Buổi gặp mặt sáng 26/4 ở TP.HCM do UB TƯ MTTQ VN tổ chức trở thành dịp hữu duyên để hai người phụ nữ hội ngộ. Phu nhân Tổng bí thư, bà Ngô Thị Huệ cười nhiều hơn hết vì gặp lại người em gái cách mạng Nguyễn Thị Bình. Họ giữ tay nhau thật chặt, cười ấm áp, hỏi han nhau mọi điều, sức khỏe.
Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân (áo xanh), Tổng thư ký MTTQ Vũ Trọng Kim, Chủ tịch MTTQ TP.HCM Võ Thị Dũng (bìa trái) chúc sức khoẻ hai vị nhân chứng lịch sử đặc biệt của buổi gặp mặt |
Nhà ngoại giao, chính khách Nguyễn Thị Bình nổi tiếng khắp thế giới với vai trò trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, từng tham gia hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris giai đoạn 1968-1973, một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút kí vào hiệp định.
Thời bình, bà tham gia làm Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội, Phó Trưởng ban Đối ngoại TƯ Đảng (1987-1992), uỷ viên BCH TƯ Đảng, đồng thời là một trong không nhiều người có thời gian là ĐBQH lâu, tới 26 năm, từ khóa VI đến khóa X.
Cuộc gặp vào dịp kỷ niệm đặc biệt |
Cô Bảy Huệ - như cách mọi người thân thương gọi - trong suốt năm tháng hoạt động cách mạng đã chiến đấu kiên cường, từng nhiều lần bị địch bắt, bị kết án tù chung thân khổ sai sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bị dìm trong biển máu.
Sau giải phóng, bà tiếp tục đóng góp cho đất nước, đặc biệt tham gia các hoạt động xã hội. Bà từng làm Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức TƯ Đảng, là nữ ĐBQH trẻ của QH VN khóa đầu tiên.
Sau này nghỉ hưu tại TP.HCM, bà còn tích cực trong vận động các phong trào phụ nữ, là một trong những người thuộc nhóm thành lập Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, rồi sau đó phát triển thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay. Bà còn có công vận động lập bệnh viện miễn phí An Bình...
Nguyên Phó Chủ tịch nước nhắc những kỷ niệm gặp mặt |
Bước từ xa lại gần, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân ngỏ lời chào, gọi cô, xưng con với bà Nguyễn Thị Bình. Bà vừa cười vừa khéo trách nhẹ lời mời dự cuộc gặp mặt những nhân chứng lịch sử như thế này tổ chức hơi muộn. Họ ngồi cạnh nhau ân tình, ấm áp. Lát chốc lại có khách dự buổi gặp mặt đến chào khiến cuộc gặp rộn ràng, nhân vui.
Trăn trở hòa hợp dân tộc
Được mời phát biểu đầu tiên trong cuộc gặp mặt nhân chứng lịch sử, bà Nguyễn Thị Bình không giấu được xúc động khi đúng dịp kỉ niệm 40 năm thống nhất, bà lại được trở lại TP.HCM gặp những nhân chứng lịch sử, nhiều người bà chỉ được nghe tên mà chưa từng gặp mặt.
Khí chất hùng biện, tự tin, sự mạch lạc, thông tuệ đặc biệt trong con người chính khách dù qua bao năm tháng cũng không thể lẫn và mất đi. Bà nói, những người từng trong kháng chiến còn ngồi đây để chứng kiến dấu mốc 40 năm hoà bình, thống nhất liên tục không còn nhiều.
Họ đã đi qua hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm |
"Chúng ta không thể nào quên các đồng chí, bạn bè đã hy sinh để có ngày 30/4/1975 lịch sử. Những người đã mất góp phần vào thắng lợi to lớn của dân tộc. Những đóng góp của họ to lớn hơn chúng ta" - bà nói.
Nhấn mạnh chiều dài cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc kéo dài ròng rã 30 năm, bà Nguyễn Thị Bình nhắc lại rằng, những dịp kỷ niệm chiến thắng cũng là dịp suy tư về những ký ức, bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến để lại cho dân tộc. Mà trong đó, bài học lớn nhất là bài học về sự đoàn kết.
Nguyên Phó Chủ tịch nước trăn trở việc còn phải làm hôm nay đó là hòa hợp dân tộc. Bà cũng nói rằng, mọi thế hệ hôm nay, bất cứ ai còn sống ngày nào thì còn phải viết tiếp trang sử vẻ vang của lịch sử giành độc lập, tự do.
"Đại đoàn kết ngày nay có nội dung khác trước, đòi hỏi rộng hơn, thậm chí phức tạp hơn. Nhưng tinh thần yêu nước, đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đâu cũng là tiền tuyến, đâu cũng là hậu phương, ai cũng phải tham gia xây dựng đất nước".
Xuân Linh