Từ miền Trung vào Sài gòn lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Đức (ở 132 đường Trần Tri Kỷ, phường 14, quận Bình Thạnh), tìm thuê những căn nhà có nhiều phòng vừa tá túc qua ngày, vừa cho thuê lại.
Ngôi nhà ông đang thuê được sử dụng tầng trệt làm nơi bán tạp hóa, phía trong và trên lầu ông cho bà con nghèo thuê lại với giá rẻ.
Trong khu trọ của ông Đức, theo tìm hiểu có một người thuê trọ "đặc biệt", là bà Nguyễn Thị Kim Phượng (81 tuổi, quê Đắk Lắk), bà tới đây thuê trọ đã gần chục năm.
Quan sát thấy hàng ngày cụ lầm lũi đi bán vé số, ăn uống tằn tiện, qua trò chuyện, ông Đức biết hoàn cảnh cụ khó khăn, dù bản thân cũng không dư dả, phải kiếm từng đồng lẻ nhưng ông vẫn quyết định miễn phí tiền thuê phòng cho cụ. Quyết định của ông Đức được cả gia đình ủng hộ.
“Tháng nào cụ kiếm được nhiều thì phụ cho tôi vài chục nghìn tiền điện, nước. Còn tháng nào không có thì thôi chứ tôi cũng không yêu cầu cụ phải chi trả gì. Giúp được cụ tới đâu tôi sẽ gắng hết”, ông Đức cho hay.
Khi chưa áp dụng Chỉ thị 16, cụ Phượng lang thang khắp nơi bán vé số |
Cụ Phượng vốn sinh ra tại Sài Gòn, nhưng sau khi lập gia đình thì cụ cùng chồng, con lên Đắc Lắk làm kinh tế mới.
Theo cụ, khi được nhà nước giao đất để trồng cây, làm kinh tế, cả gia đình hào hứng lao động cật lực nên kinh tế cũng dần dần ổn định.
Thế nhưng, tai họa dồn dập ập xuống gia đình cụ khi chồng con liên tục bệnh tật, tai nạn rồi lần lượt qua đời. Để chạy chữa cho họ, cụ phải bán hết nhà cửa, nương rẫy.
Tay trắng, không còn nhà cửa, chồng con, cụ Phượng quyết định quay lại TP.HCM mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Dịch bệnh bùng phát, thành phố áp dụng Chỉ thị 16, vé số bị cấm bán, cụ Phượng buộc phải ở nhà, nỗi lo lắng hằn trên khuôn mặt cụ.
Cũng theo cụ, thời gian đầu do không có tiền nên cứ tối đến là cụ thường ngủ ở các công viên, vỉa hè nhà dân bên đường. “Ngày nào bán hết thì tui còn mua được cơm ăn qua bữa, ngày nào bán ế thì ăn tạm ổ bánh mì hoặc đi xin cơm từ thiện”, cụ Phượng móm mém kể.
Chị H. hàng xóm nơi cụ Phượng thuê trọ cho hay, “Cụ tội lắm, cứ lầm lũi một mình vậy đó. Sáng đi bán vé số, tối về là ở trong nhà, không phiền hà ai bao giờ. Mua bán gì là sòng phẳng, không bao giờ xin ai một đồng”.
Chị H. còn cho biết cụ mắc nhiều bệnh nhưng vẫn gắng gượng đi làm kiếm tiền, không than vãn một lời.
“Giờ cụ cũng không minh mẫn nữa, lâu lâu tôi lại thấy cụ lấy điện thoại ra nói chuyện một mình, thương lắm nên bà con quanh đây hễ ai có gì ngon cũng mang biếu cụ”, chị H. kể.
Lần mần soạn lại sổ khám bệnh được giữ gìn cẩn thận trong bọc nylon, cụ Phượng cho hay, mấy bữa nay cụ thấy mệt trong người nên soạn lại giấy tờ định đi bệnh viện kiểm tra.
Nén tiếng thở dài, cụ lẩm nhẩm, “Vé số bị cấm bán, tui không biết lấy tiền đâu để đi khám bệnh và ăn uống đây”.
“Thấy cụ vậy tôi thương lắm, ốm đau, bệnh tật chỉ một mình, tôi cũng chỉ hỗ trợ được phần nào. Mong các mạnh thường quân hỗ trợ để cụ đỡ vất vả những năm tháng tuổi già”, ông Đức chủ nhà nơi cụ Phượng ở trọ chia sẻ.
Người khiếm thị ở TP.HCM chống chọi với dịch Covid-19, khó khăn chồng chất
Để mưu sinh đa số những người khiếm thị chọn nghề bán vé số hoặc massage. Khi dịch Covid-19 bùng lên tại TP.HCM, họ buộc phải nghỉ việc. Lúc này, chuyện lo bữa ăn thực sự là gánh nặng đối với gia đình họ.
Thanh Phương