- Khuyến khích xã hội hóa công chứng song dự thảo luật Công chứng sửa đổi chưa thống nhất quy định về mục đích lợi nhuận của hoạt động này.
Tại phiên họp ĐBQH chuyên trách hôm nay (10/4), UB Pháp luật QH cho biết đối với nguyên tắc hành nghề công chứng, vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” vì hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội, phải đặt tính chất phục vụ lên hàng đầu.
Đồng thời, đây là loại hình dịch vụ do Nhà nước ủy quyền, Nhà nước cũng đặt ra giới hạn về số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn nhất định, do đó tính cạnh tranh trong hoạt động này đã bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không thể sử dụng các lợi thế này để phục vụ mục đích kiếm lợi nhuận như cách hình thức kinh doanh, dịch vụ thông thường.
Ảnh: Minh Thăng |
Loại ý kiến thứ hai còn băn khoăn vì Văn phòng công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, không có sự bao cấp của Nhà nước, nên dù cung cấp dịch vụ công ích thì hoạt động của tổ chức này cũng không thể không tính đến yếu tố lợi nhuận.
Mặt khác, quy định nguyên tắc hành nghề công chứng là không vì mục đích lợi nhuận sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép chuyển đổi Phòng công chứng hay chuyển nhượng Văn phòng công chứng. Nếu không có lợi nhuận thì bên nhận chuyển nhượng hoặc chuyển đổi tổ chức hành nghề công chứng sẽ bù đắp lại khoản tiền đã bỏ ra cho việc nhận chuyển đổi, chuyển nhượng Văn phòng công chứng bằng cách nào.
UB Thường vụ QH nghiêng về loại ý kiến thứ nhất.
Để quy định này khả thi, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị làm rõ thế nào là không vì lợi nhuận.
“Các văn phòng công chứng do tư nhân bỏ tiền ra đầu tư rồi chia nhau lợi nhuận thì không thể là phi lợi nhuận. Các văn phòng này so với các phòng công chứng nhà nước chỉ khác nhau về tổ chức còn đều phải là phi lợi nhuận”, ông Lịch nói. “Ai đã chọn làm công chứng viên thì đừng mong làm giàu, mà đây là làm công”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) lại băn khoăn: Nếu yêu cầu các văn phòng công chứng đều phải phi lợi nhuận thì sẽ không ai làm.
“Nên ghi là ‘lợi nhuận là để đầu tư phát triển, không được chia nhau’ thì hợp lý hơn", ông Thuyền nói.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng chia sẻ suy nghĩ “không vì mục đích lợi nhuận không thể thực hiện được trên thực tế”.
“Muốn lập văn phòng công chứng, tư nhân đều phải bỏ tiền đầu tư nhà cửa, trang thiết bị, trả lương nhân viên, trong khi phòng công chứng nhà nước được hỗ trợ hết. Như vậy là không bình đẳng. Làm công chứng cũng phải vì sinh nhai mới làm chứ đâu phải thừa vật chất rồi làm cho vui”, ông Vinh nói.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi thì lưu ý trong sửa đổi luật Doanh nghiệp đang cân nhắc khái niệm “doanh nghiệp xã hội”, tức là những doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng chỉ chia cổ tức theo lãi suất ngân hàng, còn lại tái đầu tư phát triển. Có thể điều chỉnh các văn phòng công chứng theo quy định này chứ yêu cầu “không lợi nhuận thì sẽ không ai làm”, theo ông Lợi.
Luật Công chứng sửa đổi đã được các ĐBQH thảo luận lần đầu tại kỳ họp QH cuối năm 2013, sẽ được thảo luận và biểu quyết vào kỳ họp tháng 5 tới đây.
Các ĐB chuyên trách đều cho rằng tình hình phát triển hệ thống văn phòng công chứng hiện nay về số lượng và số lượng đều đã đủ để luật có thể mở rộng xã hội hóa hoạt động này, giảm dần sự bao cấp của nhà nước đối với các quan hệ dân sự.
“Hãy mở thật sự, cái gì của dân sự thì trả về cho xã hội hóa, đừng mở từng bước nhấp nha nhấp nhé”, ĐB Trần Du Lịch kiến nghị.
Chung Hoàng