XEM CLIP:
Bật khóc sau lệnh cách ly
Khoa C4, Viện Tim mạch là nơi ca bệnh số 86 từng điều trị, do đó 84 nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngay lập tức được cách ly trong đêm.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (27 tuổi, điều dưỡng khoa C4, Viện Tim mạch) kể, khoảng 6h chiều 19/3, khi đang ở Viện, chuẩn bị đi khám thai 38 tuần tuổi thì nhận được thông báo về 1 bệnh nhân từng điều trị tại đây dương tính với Covid-19.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hương trong khu cách ly Viện Tim mạch. Ảnh: Đoàn Bổng |
“Lúc ấy chân tay tôi rụng rời, nhiều chị em trong khoa bật khóc vì lo lắng. Chúng tôi chưa chuẩn bị tâm lý đón nhận tin này”, chị Hương kể.
Vì diện tích và không gian khoa C4 chật hẹp, không đảm bảo cho việc cách ly nên toàn bộ nhân viên trong khoa phải chuyển đồ đạc, vật dụng sang khoa C9 để cách ly 14 ngày.
Khoa C9 có 2 tầng để làm việc. Các bệnh nhân đang điều trị được nằm tại tầng 1, tầng 2 là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của nhân viên y tế. Các lối ra vào khu cách ly có nhiều lớp bảo vệ và rào chắn nghiêm ngặt.
Khoa C4, Viện Tim mạch cách ly 14 ngày |
Ngay trong đêm nhận lệnh cách ly, tất cả nhân viên, bệnh nhân và người nhà được BV lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả ngay sáng hôm sau.
“Sau 3 lần nhận kết quả âm tính với Covid-19, tôi và mọi người như cởi bỏ được tảng đá đè trước ngực. Tôi cảm thấy may mắn vì được thông báo sớm về ca dương tính chúng tôi từng tiếp xúc, nhờ vậy mới có cách phòng tránh kịp thời cho bản thân và những người xung quanh”, Thu Hương nói.
Chị Hương trang bị đồ bảo hộ trước khi tiếp xúc với bệnh nhân. Ảnh: Đoàn Bổng |
Chị được đồng nghiệp ưu tiên làm những việc nhẹ nhàng hơn. Ảnh: Đoàn Bổng |
Dù sắp đến ngày sinh, nhưng hàng ngày công việc của chị Hương vẫn đều đặn theo các ca sáng, chiều. Các đồng nghiệp mỗi người một tay đỡ đần, gánh bớt những công việc vất vả để mẹ bầu không bị căng thẳng, mệt mỏi.
Không chỉ thăm khám, chăm sóc cho người bệnh, chị Hương và các đồng nghiệp còn chia sẻ, động viên tinh thần cho họ và người nhà.
"Tôi nhớ như in 1 bệnh nhân nữ sau khi nhận lệnh cách ly đã hoảng loạn và lo sợ đến mất ăn, mất ngủ. Các thông tin kéo dài thời gian cách ly khiến nhiều người càng thêm hoang mang không biết bao giờ được ra viện.
Hay một nam bệnh nhân có người thân mất, nhà lại neo người nói với tôi muốn xin về để chịu tang. Dù rất đồng cảm nhưng tôi và đồng nghiệp phải động viên, khuyên họ hiểu việc ở lại khu cách ly là bảo vệ chính mình và những người xung quanh”, chị Hương nhớ lại.
Ảnh: Đoàn Bổng |
Khoảng 10 ngày nữa Hương sinh cháu bé đầu lòng. Ảnh: Đoàn Bổng |
Đổi tên con vì dịch Covid-19
Nữ điều dưỡng trẻ tâm sự, cháu bé 38 tuần tuổi trong bụng đang cùng mẹ trải qua những giây phút đặc biệt, chị không ở cạnh chồng và gia đình, các dự định về việc sinh nở đều thay đổi. Chị Hương đã đăng ký sinh con tại chính BV Bạch Mai.
Chị Thu Hương cùng đồng nghiệp. Ảnh: Đoàn Bổng |
Trong giai đoạn “nước rút”, những lúc có thời gian nghỉ ngơi, chị thường đọc sách, đi bộ và nói chuyện với con sắp chào đời.
“Con ơi, cố gắng lên con nhé, sau khi sinh ra con sẽ trở thành chiến binh dũng cảm”, Hương nói như vỗ về.
Ban đầu 2 vợ chồng chị dự định đặt tên con là Vũ Nhật Hạ, nhưng vì có dịch Covid-19 nên hai vợ chồng thống nhất đổi tên con thành Vũ Nhật Hạ Vy.
“Hạ Vy có nghĩa là hạ gục con virus Cô - vy này”, chị Hương bật cười chia sẻ về ý nghĩa của tên đứa con đầu lòng.
Con trai 2 tuổi ôm áo mẹ vì nhớ
Ở C4 Viện Tim mạch, câu chuyện cậu con trai 2 tuổi của nữ điều dưỡng Phạm Hồng Hạnh (29 tuổi) ôm áo mẹ vì nhớ được nhiều người chia sẻ.
Đang mang bầu cháu thứ 2 được 4 tháng, chị Hạnh cùng đồng nghiệp ở lại cách ly theo quy định vì đã từng tiếp xúc gần với ca dương tính.
Hình ảnh con trai 2 tuổi của chị Hạnh ôm áo mẹ vì nhớ. Ảnh nhân vật cung cấp |
“Tối nhận tin cách ly, tôi vừa đặt chân vào cổng nhà thì có tin nhắn của trưởng phòng. Nhiều năm làm nghề nhưng tin nhắn ấy khiến tôi thật sự lo sợ sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Tôi bật khóc. Đêm ấy, chồng đưa tôi quay lại Viện”, chị Hạnh kể.
Từ lúc lập gia đình đến khi sinh con, đây là lần đầu tiên chị Hạnh xa nhà lâu như vậy. Qua mạng xã hội, hàng ngày vợ chồng chị trò chuyện với nhau, cậu con trai còn chưa nói sõi nên chỉ biết nhìn mẹ.
“Có hôm chồng tôi gửi ảnh con trai hôn áo rồi ôm áo của mẹ vào lòng vì nhớ, tôi thương con thật nhiều nhưng không thể chạy về với con được.
Các lớp chắn trước lối vào khu cách ly C9. Ảnh: Đoàn Bổng |
Tôi nghĩ, việc đầu tiên khi nào được về nhà là tắm giặt xong sẽ chạy vào ôm con, để thỏa nhớ thương những ngày này”, chị Hạnh nghẹn ngào.
30 chốt kiểm tra khắp cửa ngõ, người ra vào Hà Nội phải khai báo y tế
Lực lượng chức năng ở 30 chốt tại cửa ngõ Thủ đô sáng nay đồng loạt kiểm tra y tế tất cả phương tiện ra vào nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Đoàn Bổng - Phạm Công