XEM CLIP:
Đại sứ Trung Quốc cho biết, dịch bệnh và virus gây bệnh lần này chưa từng được biết đến, do đó được gọi là virus corona chủng mới. Các nhà khoa học Trung Quốc muốn phân biệt, phân lập virus sớm nhất cần thông qua một loạt luận chứng khoa học mới có thể đưa ra được nhận định chính xác và cầu thị từ góc độ khoa học và y học. Việc này cần có thời gian nhất định.
Trung Quốc cần chưa tới 1 tháng để phân lập và giải mã được bộ gen của virus.
“Khi số lượng bệnh nhân mắc virus ghi nhận ở một mức độ nhất định, chúng tôi đã ngay lập tức khởi động cơ chế ứng phó cấp nhà nước và áp dụng biện pháp phòng chống dịch”, ông nói.
Theo Đại sứ Hùng Ba, giai đoạn đầu, các bác sĩ lâm sàng ở tuyến đầu của Trung Quốc chưa hiểu rõ về virus để áp dụng biện pháp phòng chống. Do đó, đúng là có một số nhân viên y tế tại Vũ Hán đã nhiễm virus. Họ là những người đầu tiên xông pha trong trận chiến chống lại dịch bệnh, là những người hi sinh.
Ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam |
Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng chống thì các nhân viên y tế được bảo vệ hiệu quả. Sau đó không ghi nhận thêm nhân viên y tế nào mắc bệnh nữa.
Con số gần 500 y bác sĩ nhiễm virus corona khi làm việc trong bệnh viện là thông tin lưu truyền trên mạng và không đúng sự thật. “Theo tin tức truyền thông chính thống ở Trung Quốc, nhân viên y tế bị nhiễm bệnh và tử vong có 1 trường hợp là bác sĩ Lý Văn Lượng. Một số y bác sĩ trong cuộc chiến với dịch bệnh đã gục ngã hay tử vong thì hều hết là do bệnh khác gây ra hay tuổi tác đã cao”, ông Hùng Ba cho biết.
Phối hợp quốc tế ngăn chặn dịch bệnh lây lan
Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh, dịch bệnh này là thách thức đối với toàn nhân loại. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã coi việc hợp tác quốc tế, phối hợp với WHO là khâu hết sức quan trọng. Trung Quốc đã phân lập và giải mã được bộ gen virus corona và báo cáo với WHO, thông qua tổ chức này chia sẻ với các quốc gia khác.
Cho tới nay, số lượng người nhiễm virus ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc chiếm không tới 1% tổng số bệnh nhân, con số này thấp hơn rất nhiều các dịch bệnh khác từng bùng phát trên thế giới.
Cộng đồng quốc tế cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.
Theo ông Hùng Ba, tính đến nay có gần 30 quốc gia và khu vực trên thế giới hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc trên các phương diện.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam ngay từ đầu đã rất quan tâm đến công tác phòng chống dịch của Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi tới lãnh đạo Trung Quốc từ rất sớm.
Tổ y tế đi tuần tra tại quận Giang An, Vũ Hán. Ảnh: THX |
Ngày 9/2, Việt Nam đã chuyên chở các vật tư y tế hỗ trợ trị giá 500.000 USD cho phía Trung Quốc. Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng hỗ trợ nhiều vật tư liên quan.
“Có thể nói đây chính là sự tương trợ đáng quý trong lúc hoạn nạn khó khăn, hết sức kịp thời và quan trọng”, Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh.
Tạo điều kiện cho người nước ngoài ở Trung Quốc
Đại sứ Hùng Ba khẳng định, hiện tại nhu cầu thiết yếu về y tế và sinh hoạt của người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại Trung Quốc đều được đảm bảo. Với người nước ngoài đang ở môi trường đặc thù như Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) Trung Quốc cũng đã áp dụng một loạt biện pháp để hỗ trợ và tạo điều kiện lớn nhất cho họ.
Trong trường hợp thực sự có nhu cầu về nước khẩn cấp, Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đã xây dựng cơ chế hợp tác liên quan. Trên thực tế, những ngày trước, Trung Quốc đã phối hợp với Việt Nam sử dụng máy bay chở vật tư y tế hỗ trợ Trung Quốc để đón một số người dân Việt Nam về nước.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hợp tác và trao đổi mật thiết với phía Việt Nam về việc này”, ông nói.
Các bác sĩ tại Vũ Hán chạy đua với thời gian trong cuộc chiến với virus corona. Ảnh: THX |
Đại sứ Trung Quốc khẳng định, so với dịch SARS, dịch COVID-19 lần này tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều, số trường hợp chữa khỏi ngày càng tăng lên.
Trung Quốc đã có kinh nghiệm đối phó với dịch SARS nên ý thức phòng chống dịch mạnh mẽ hơn, phản ứng nhanh hơn, năng lực đối phó với dịch bệnh cũng cao hơn.
“Chúng tôi có nhiều biện pháp để đối phó với dịch bệnh, trong đó áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Ví dụ như đặt vé máy bay, phòng khách sạn, mua hàng, đặt đồ ăn qua mạng, sử dụng thiết bị không người lái để tuyên truyền phòng chống dịch, trong bệnh viện sử dụng robot chuyển thuốc, đồ ăn cho người bệnh… Tóm lại, chúng tôi tự tin với những biện pháp hiện tại sẽ chiến thắng dịch bệnh”, ông Hùng Ba chia sẻ.
Thái An - Đức Yên - Thành Nam
Tung tin tỏi Lý Sơn nhiễm thuốc sâu, Facebooker Lương Hoàng Anh bị mời làm việc
Đưa tin trên trang cá nhân về “tỏi Lý Sơn nhiễm thuốc trừ sâu”, bà Lương Hoàng Anh bị Sở TT&TT TP.HCM mời lên làm việc vào ngày 14/2.