XEM CLIP:
Trong khi cảnh sát Anh điều tra vụ việc 39 thi thể phát hiện trong container ở hạt Essex, nhiều người lao động trở về từ “miền đất hứa” kể lại những lần “chết hụt” để có cơ hội làm việc ở đây.
Anh L. (Nghệ An) sang Anh từ năm 2003 bằng 1 tấm vé đi xem bóng đá.
Hơn một thập kỷ bám trụ ở Anh, anh chứng kiến nhiều cuộc nhập cư “hành xác” mà sự đánh đổi là một mất, một còn.
Theo anh L., những người Việt đến Anh thường làm 2 công việc chính là trồng cỏ, hoặc làm “nail” (sơn móng tay, chân).
Anh L. chia sẻ với PV VietNamNet |
“2 nghề này người Việt, đặc biệt là người Nghệ An rất chịu khó, học nhanh và tay nghề cao. Học trồng cỏ chỉ mất khoảng 10 ngày, còn làm nail tốn thời gian hơn, khoảng nửa năm”, anh L. nói.
Anh cho biết, lao động Việt Nam thường đi sang nước ngoài, từ đó làm giả giấy tờ rồi đến các nước châu Âu như Đức, Pháp, Bỉ rồi bằng nhiều cách tìm cơ hội đến Anh.
Tùy vào mức độ mạo hiểm hay an toàn mà mức chi phí cho việc sang Anh có sự chênh lệch đáng kể.
Con đường an toàn nhất và chi phí tốn kém nhất là ngồi sau ca-bin xe container, môi giới sẽ làm việc với các chủ xe tải từ các nước sang Anh, khoang ca bin sẽ chứa được khoảng 3-4 người. Khi qua các trạm kiểm soát, tài xế sẽ dùng nhiều cách để che giấu lao động.
Đi trót lọt, mỗi lao động sẽ bỏ ra khoảng 16 nghìn USD (tương đương hơn 400 triệu đồng). chưa tính chi phí cho những hành trình trước đó.
Con đường mạo hiểm hơn, theo anh L. là chui vào các thùng container từ Pháp hoặc Bỉ rồi vượt biên sang Anh. Cách đi này nhiều người gọi là đi “cỏ” với chi phí tiết kiệm nhất nhưng cũng rất mạo hiểm.
Cảnh người Việt băng rừng từ Nga sang Ba Lan. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nhưng, câu chuyện bám gầm xe container của anh T. (Nghệ An) mới là hành trình đầy ám ảnh.
Anh T. tìm đường đến Anh từ năm 2009. Nỗi ám ảnh nhất vẫn còn đeo bám anh đến hôm nay là hành trình xuyên đêm bám gầm xe container từ Pháp sang Anh.
“Có người đưa cho tôi 1 tấm ván để buộc dưới gầm xe tải và nằm lên, bắt đầu hành trình mà bản thân không biết điều gì sẽ xảy đến”, anh nói.
Anh chia sẻ: “Hành trình của tôi bắt đầu lúc 2h sáng, xe đi qua các cung đường với tốc độ nhanh, khoảng 9 tiếng sau, khi lái xe ra tín hiệu và đi chậm lại, đến khu vực đông người thì tôi tự lăn khỏi tấm ván xuống đường, sẽ có người chờ đón ở đó”.
“Tôi sợ nhất những viên đá trên đường, khi xe đi với tốc độ nhanh sẽ bật đá vào gầm và trúng người. Khi ấy tôi chỉ biết nén đau, cầu mong bình an. Để nằm và bám trụ được trên tấm ván dưới gầm xe, tôi được nhóm người hướng dẫn và tập luyện trước đó nhiều ngày, tuy nhiên, rủi ro là điều tôi không thể biết trước.
Tôi từng nghe câu chuyện về 1 người đồng hương tử vong khi đá bắn vào người, hoảng hốt ngã khỏi tấm ván và bị bánh xe container tước đi mạng sống”, anh T. kể.
Nằm lại giữa rừng sâu
Để đến với “miền đất hứa”, nhiều người chọn cách bay sang Nga rồi thuê người dẫn đường, băng qua rừng để đến Ba Lan, sau đó sẽ tìm cách đến Anh. Có người đã bị tụt lại, chơ vơ giữa rừng sâu…
Anh C. (giữa) trong hành trình băng rừng đến châu Âu. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Anh C. (quê Nghệ An) kể, năm 2014, thông qua môi giới, anh làm hộ chiếu bay sang Nga. Từ đây, anh cùng 3 người khác thuê một người Nga dẫn đường băng rừng, vượt suối để đến Ba Lan.
Việc băng rừng rất gian nan, để kịp tiến độ, đoàn người phải tự lo cho bản thân. Có người mệt lả rồi gục xuống, nhưng đoàn vẫn tiếp tục hành trình, nếu ở lại sẽ bị bỏ rơi.
Trong hành trình của mình, anh C. cho biết từng chứng kiến một người Việt bị tử nạn vì đuối nước rồi nằm lại đất khách quê người. Thậm chí, dọc đường đi bắt gặp nhiều nấm mộ còn mới.
“Sau 4 ngày đêm ăn mì tôm, bánh mì, lương khô, đoàn của tôi may mắn đặt chân đến Ba Lan. Từ đây, chúng tôi bắt đầu hành trình hơn 4 tiếng đồng hồ để sang Đức”, anh C. nhớ lại.
Tại Đức, C. cùng nhóm người Việt bám trụ hơn 7 tháng rồi được dẫn đường sang Bỉ trồng cỏ (cần sa). Việc làm ăn thất bại khi cỏ trồng 6 tháng sắp cho thu hoạch thì bị cướp toàn bộ.
Bữa ăn giữa rừng của nhóm người Việt băng rừng sang trời Âu. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chán nản vì gần 2 năm chưa thể đến được Anh, C. từ bỏ ý định rồi tự tìm đường sang Pháp ở lại cho đến bây giờ với công việc xây dựng.
“Lúc ở nhà, gia đình cứ nghĩ tôi đi đến nơi sẽ kiếm được tiền và gửi về trả nợ. Thế nhưng, mọi người sang đều phải tự lập, tự tìm kiếm việc làm và phải dựa nhiều vào may mắn.
Người đi cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi đi và nên đi bằng con đường bảo lãnh, du học để được đi làm đàng hoàng. Không nên đi bằng con đường bất hợp pháp như tôi từng trải qua…”, anh ngậm ngùi.
Đ.Bổng - Q.Huy - P.Tâm - Đ.Hiếu
Thiếu nữ mất liên lạc khi đi Anh, môi giới trả lại bố mẹ 1 tỷ rồi biến mất
Sau khi em N. mất liên lạc, người môi giới đi xuất khẩu đã trả lại hơn 1 tỷ đồng cho gia đình. Người này đã tắt điện thoại - Chủ tịch xã Hưng Đông nói.