LTS: Trong khi đa số thị phần quảng cáo, truyền thông trực tuyến chảy vào các nền tảng nội dung số xuyên biên giới thì việc các cơ quan báo chí trong nước liên kết với nhau để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc phân phối lại, việc tính toán đến giải pháp thu phí từ người đọc...Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, các cơ quan báo chí cũng không thể chậm chễ hơn trong việc  thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm đối tác, chuẩn bị nguồn lực để phát triển báo điện tử và các kênh mạng xã hội, tạo nguồn thu lâu dài. Đó là ý kiến đáng lưu tâm của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí  trong việc tìm kiếm nguồn thu phù hợp trong tương lai. 

Thống kê sơ bộ của Bộ TT&TT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều cơ quan báo chí sụt giảm đến 50%, thậm chí 60-70% doanh thu bất chấp việc số người đọc báo tăng lên. Lý do của điều này là bởi sự phụ thuộc quá lớn của báo chí Việt Nam vào nguồn thu quảng cáo. 

{keywords}
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện đón đoàn khách quốc tế trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: Phạm Hải

Bài toán nguồn thu là thách thức lớn

Nguồn thu chính là nỗi lo lớn nhất của cơ quan báo chí, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu chính là quảng cáo, truyền thông không những đã vơi đi mà còn thêm muôn phần khó khăn bởi dịch bệnh.

Có thể nhìn thấy nỗi lo nặng trĩu ấy từ diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" do báo Nhà báo và Công luận tổ chức cách đây chưa lâu.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho hay, khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu của báo chí trong bài toán tự chủ tài chính, phát triển nguồn thu.

Theo ông Đức, bản chất của cơ quan báo chí, thời gian trước đây là được bao cấp, sang kinh tế thị trường, nhiều cơ quan báo chí ra đời với cơ chế hoạt động khác nhau. Các cơ quan báo chí của Đảng, của các bộ, ngành được bao cấp, nhưng các cơ quan báo chí của Hội, Hiệp hội thì lại lập ra để tự chủ.

{keywords}
Báo chí đưa tin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Ảnh: Tiền Phong

Chính vì thế, mô hình kinh tế báo chí hiện nay đa dạng kiểu “xôi đỗ”, không thống nhất, là câu chuyện mô hình và vấn đề tự chủ có nhiều bất cập.

Trên thực tế, bản thân cơ quan báo chí cũng như doanh nghiệp, phải thu, chi, đóng thuế cho Nhà nước, nhưng đồng thời lại làm nhiệm vụ chính trị.

Ông Đức cho rằng, nếu không có sự thay đổi, các cơ quan báo chí tự chủ tài chính hiện nay, đã khó khăn sẽ càng thêm khó khăn.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn chia sẻ, một giai đoạn dài từ khi bắt đầu xin tự chủ cho đến gần cuối thập kỷ đầu của thế kỷ này, báo Tiền Phong hoàn toàn sống bằng tiền bán báo và có những giai đoạn sống rất tốt.

Tuy nhiên, với việc báo ra ngày càng dày kỳ hơn, rốt cuộc trở thành báo ra hằng ngày và với việc xuất hiện ngày càng nhiều hơn các đối thủ cùng phân khúc, số lượng ấn phẩm chính và ấn phẩm phụ giảm dần.

Thực tế từ khoảng 3 năm nay, doanh thu từ các hoạt động báo chí thuần tuý như thu phát hành, thu quảng cáo của báo Tiền Phong đã không đủ cân đối thu chi.

Để giải bài toán thu chi, báo buộc phải làm một việc không mong muốn là cho phép phóng viên được tham gia trực tiếp làm kinh tế báo chí, tức mời gọi các hợp đồng quảng cáo và truyền thông. 

Theo ông Sơn, việc này mang lại hiệu quả tức thì thể hiện qua một nguồn thu đáng kể nhưng rõ ràng là có những ảnh hưởng tiêu cực. Mặc dù Tiền Phong về cơ bản vẫn đang khống chế được trong nội bộ hiện tượng doạ dẫm doanh nghiệp để kiếm hợp đồng, nhưng tính khách quan của phóng viên trong thông tin không thể không bị ảnh hưởng.

Về ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo phân tích của các phòng ban chuyên môn của báo thì kịch bản lạc quan nhất, kinh tế nước ta bùng nổ sau khi khống chế được dịch, doanh thu của báo cũng vẫn giảm 5%; kịch bản trung bình là giảm 10-15%; kịch bản xấu là giảm 20-25%. 

Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân nhấn mạnh, chưa bao giờ vấn đề nguồn thu lại nóng bỏng như hiện nay đối với nhiều cơ quan báo chí - đặc biệt là những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.

Theo ông Tuân, khoảng 20 năm trước, nếu doanh nghiệp muốn chọn vị trí đắc địa hoặc cần đăng thông tin khẩn cấp trên trang quảng cáo một số báo in có uy tín thường phải cậy nhờ thông qua các mối quan hệ, hoặc phải xếp hàng, “đặt gạch”.

{keywords}
Một người dân Hà Nội chăm chú đọc từng trang báo tại Hội Báo xuân

Còn hiện nay, để tồn tại, phần lớn các cơ quan báo chí tự chủ tài chính phải xây dựng các đội, nhóm sale, tiếp thị để đến các doanh nghiệp, ngân hàng mời gọi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Không ít cơ quan đã tháo “vòng kim cô” - cho phép phóng viên được lấy quảng cáo, tham gia viết bài PR để tăng nguồn thu, duy trì bộ máy. Đây là điều mà trước đây một số báo từng cấm. 

Trong bối cảnh như hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của các doanh nghiệp mà cũng là câu chuyện của các cơ quan báo chí. Phát triển báo điện tử, xây dựng các trang fanpage trên Facebook, lập các kênh Youtube đáp ứng nhu cầu của bạn đọc là những hướng đi có thể giúp các cơ quan báo chí tăng nguồn thu.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là kinh phí đầu tư từ đâu khi phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với tình hình mới.

Tổng Biên tập báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình đặt vấn đề, trong cơn bĩ cực của báo in, câu hỏi được đặt ra là vậy tại sao không cố gắng tăng nguồn thu từ báo điện tử, thậm chí là cả phí truy cập báo điện tử? Về mặt công nghệ thì giải pháp để thu phí đọc từng tin hay thu phí truy cập đều có thể thực hiện được. 

Về vấn đề thu phí đọc tin, điều này có thể hiểu là bạn đọc được miễn phí đọc tin thông thường, và phải trả phí để đọc với những thông tin hay, thông tin “hot”.

Câu chuyện này không mới, vì trên thực tế, hình thức bán tin tức này đã được một số cơ quan báo chí triển khai thực hiện như TTXVN và Vietnamplus.

Tuy nhiên, khó có thể trông chờ hiệu quả của việc này như một nguồn thu đáng kể cho cơ quan báo chí, vì hầu hết người đọc báo điện tử ở Việt Nam đã quen và chỉ muốn đọc miễn phí. Số người chấp nhận trả tiền để được xem thông tin rất ít.

Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định nêu ý kiến, bài toán đa dạng hóa nguồn thu luôn là thách thức lớn của bất cứ cơ quan báo chí nào, nhất là với những đơn vị độc lập thu chi.

Theo ông, dù làm gì thì vẫn phải chú ý đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của mình. Dù chúng ta có làm kinh tế giỏi đến đâu mà chất lượng tờ báo bị coi nhẹ, thì sớm muộn cũng mất uy tín, mất hình ảnh, mất thương hiệu trong lòng bạn đọc.

Đồng thời, mọi giải pháp phát triển nguồn thu đều dựa trên việc phục vụ những độc giả trung thành của tờ báo.

{keywords}
Việc thu phí báo chí online đòi hỏi các tòa soạn phải có nội dung chất lượng cao và khác biệt. Ảnh: Trọng Đạt

Vietnamplus là một trong những tờ báo tiên phong trong việc thu phí độc giả, theo ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (ông Minh từng làm Tổng biên tập Vietnamplus), khó khăn nhất khi bán báo online chính là khâu thanh toán. 

Ông Minh cho biết, người Việt không thích thanh toán bằng thẻ tín dụng. Họ cũng rất ngại sử dụng ví điện tử. Để tiện lợi cho độc giả, đơn vị này đã liên kết với nhà mạng và chọn tài khoản viễn thông làm công cụ thanh toán online.

Ở thời kỳ đầu, tỷ lệ ăn chia mà nhà mạng áp đặt cho tờ báo này là 70 - 30. Trong đó, 70% doanh thu từ người đọc báo thuộc về nhà mạng, 30% thuộc về chủ sở hữu nội dung. Sau nhiều tranh đấu, dù từng được điều chỉnh thành 35 - 65, tỷ lệ này không kéo dài được lâu và nhanh chóng bị đẩy về mức cũ.

Theo ông Lê Quốc Minh, dù chỉ hưởng 30% doanh thu từ việc bán báo mạng, tòa soạn tiếp tục phải chia sẻ khoản tiền này cho các công ty công nghệ, đơn vị kinh doanh. Với tỷ lệ ăn chia về phương thức thanh toán như hiện nay, các tòa soạn chắc chắn sẽ không thể trang trải được chi phí hoạt động.

Vẫn còn rất nhiều điều phải làm để có thể thu phí người đọc báo online. Tuy vậy, “Chúng ta không thể cứ mãi làm việc không công. Thu phí người đọc báo là xu thế tất yếu phải xảy ra”, ông Lê Quốc Minh khẳng định. 

Báo chí liên kết, hỗ trợ nhau để cùng tồn tại

Theo Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung, muốn thu phí bạn đọc, các cơ quan báo chí cần làm được tối thiểu 3 việc khó.

Thứ nhất là làm sao phát triển được các nội dung thu được tiền. Đó phải là nội dung mà người đọc thực sự quan tâm. 

Thứ hai, làm sao để có được công nghệ thanh toán tiện lợi cho người đọc báo. 

Nếu thanh toán qua tài khoản viễn thông, tỷ lệ ăn chia giữa người làm báo và nhà mạng hiện là 30-70. Đây là tỷ lệ đang dùng chung không chỉ cho báo chí mà cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số. Điều này cần được giải quyết bằng cách cân đối lại tỷ lệ ăn chia, tiến tới sẽ cá thể hoá tuỳ theo từng nhà cung cấp nội dung.

Với điều thứ ba, báo chí phải trả lời được câu hỏi rằng mình có sẵn sàng trở thành một doanh nghiệp hay không? Khi đó, bạn đọc sẽ là khách hàng, những người làm báo phải tôn trọng khách hàng của mình như một doanh nghiệp thực thụ. 

Bên cạnh đó, thay vì cấp ngân sách, Chính phủ và các địa phương nên đặt hàng báo chí thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền theo các chủ đề, sự kiện lớn. Những đơn vị này cũng nên tiên phong bằng cách trở thành chính khách hàng, thuê bao trả tiền của các cơ quan báo chí.

{keywords}
Ông Lê Quốc Minh - lãnh đạo cơ quan báo chí đầu tiên tại Việt Nam triển khai giải pháp thu phí người đọc online

Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn cho hay, để thu phí đạt hiệu quả, các tòa soạn phải định hướng sản xuất nội dung để độc giả trả tiền là chuyên sâu vào các lĩnh vực cụ thể và phải đầu tư xứng đáng để nâng cao chất lượng bài viết. Các vấn đề lớn, nóng được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ chẳng có lý do gì thuyết phục mọi người đăng ký mua.

Bởi những độc giả có khả năng trả phí thường là doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, cơ quan báo chí, những người có thu nhập và trình độ cao, họ cần thông tin từ các chuyên gia, nhà quản lý, bình luận về một chủ đề quan trọng đối với họ. 

Nội dung đủ thông tin, sâu sắc, chuyên biệt thúc đẩy độc giả rút hầu bao, đó là chìa khóa để giữ chân độc giả.

Việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến ở Việt Nam hiện nay rất khó nhưng nếu muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Quan trọng nhất là phải bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang mạng khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khóa bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo hiệu ứng tích cực. 

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn đề xuất, nếu có thể, Nhà nước nên nghiên cứu giải pháp chính sách điều hướng một phần doanh số quảng cáo, truyền thông từ các mạng xã hội (mà chủ yếu là của nước ngoài) trở lại thị trường quảng cáo, truyền thông trong nước. 

Nên có chính sách bắt buộc hoặc thuyết phục các nhà mạng chia sẻ cho các báo một phần lợi nhuận từ dịch vụ cung cấp internet cho những bạn đọc báo điện tử.

Đồng thời tiếp tục giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí. Có chính sách hỗ trợ báo chí thông qua hình thức đặt hàng khi cần mở những đợt truyền thông, tuyên truyền lớn, hoặc đối tác thông tin về những chương trình quốc gia mang tính dài hơi…

Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân cho hay, các cơ quan báo chí, tùy điều kiện, quy mô, đặc thù, có thể tạo ra sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. Việc thu phí truy cập báo điện tử có thể thực hiện trong tương lai, nhưng nếu không có sự liên kết giữa các báo sẽ khá khó khăn để đi đến thành công. 

Cần thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm đối tác, chuẩn bị nguồn lực để phát triển báo điện tử và các kênh mạng xã hội, tạo nguồn thu lâu dài.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức mong muốn Chính phủ sớm ban hành Nghị định, quy định cơ chế tài chính đối với các cơ quan báo chí, theo hướng ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần bằng cơ chế đặt hàng, có định mức cụ thể, đảm bảo nguồn kinh phí ổn định cho báo chí hoạt động.

Hương Quỳnh

"Bạn đọc có khúc mắc, bày tỏ quan điểm hay cần truyền thông tham gia giải quyết các vấn đề cá nhân, cộng đồng...hãy liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ email [email protected] . Mọi thắc mắc, kiến nghị, đề xuất đều được xem xét hỗ trợ trong thời gian sớm nhất. Trân trọng!"

 

Đi tìm lời giải cho bài toán kinh tế báo chí

Đi tìm lời giải cho bài toán kinh tế báo chí

Làm kinh tế trong báo chí là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế, song trên thực tế, câu chuyện kinh tế báo chí vẫn còn nhiều tâm tư, cần có sự thay đổi từ nhiều bên liên quan.

Nhà báo Lê Xuân Sơn: 'Báo chí đen' đang ở mức nghiêm trọng

Nhà báo Lê Xuân Sơn: 'Báo chí đen' đang ở mức nghiêm trọng

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong nói, ngay cả tờ báo của ông cũng bị báo chí đen đe dọa sau khi lời mời chào quảng cáo của họ bị từ chối.

 

Lời gan ruột của doanh nghiệp về 'báo chí đen' sau khi bị dọa

Lời gan ruột của doanh nghiệp về 'báo chí đen' sau khi bị dọa

Nhiều doanh nghiệp khắp cả nước gửi lời cảm ơn báo VietNamNet sau loạt bài về “báo chí đen”. Họ chia sẻ câu chuyện của mình với nỗi ám ảnh vì bị đe dọa “nếu không ngoan”.

 

Làm báo đúng tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế nạn "hổ báo cáo chồn"

Làm báo đúng tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế nạn "hổ báo cáo chồn"

Thực trạng một số phóng viên quấy nhiễu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không phải là chuyện mới. Ngay cả khi chủ trương quy hoạch báo chí đang diễn ra quyết liệt những hành vi này chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm.

Lãnh đạo các Sở TT&TT lên tiếng về nạn "hổ báo cáo chồn"

Lãnh đạo các Sở TT&TT lên tiếng về nạn "hổ báo cáo chồn"

Lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh Quảng Nam, TP.HCM, Đà Nẵng nêu thực trạng, nhiều cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn mà chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Cảnh báo một bộ phận nhà báo ‘mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy’

Cảnh báo một bộ phận nhà báo ‘mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy’

Nhiều doanh nghiệp thời nay không sợ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà lo sợ nhất là một bộ phận phóng viên, nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy”.

Phát cả tờ rơi xuống từng xã để nhận diện... phóng viên

Phát cả tờ rơi xuống từng xã để nhận diện... phóng viên

Khu vực Bắc Trung Bộ là nơi có nhiều văn phòng thường trú, văn phòng đại diện và có hàng trăm nhà báo, phóng viên hoạt động. Đau lòng, khi có nơi chính quyền phải in cả tờ rơi xuống từng xã nhận diện đâu là phóng viên thật, giả...

 

“Nội soi" tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp

“Nội soi" tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp

“Có lần chúng tôi gặp một sự cố nhỏ về môi trường. Một phóng viên gọi đến dọa rằng không ký hợp đồng 100 triệu thì “phang” bài” - Đây là một chuyện không hiếm gặp qua lời kể của một đại diện truyền thông một tập đoàn lớn.

 

Hàng loạt phóng viên tống tiền vướng vào lao lý

Hàng loạt phóng viên tống tiền vướng vào lao lý

Số người làm báo bị xử tù vì tống tiền tổ chức, cá nhân không còn là cá biệt. Điều này không chỉ để lại những hệ lụy cho bản thân họ mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của những người làm báo chân chính...

 

Bộ TT&TT yêu cầu chuyển đổi Tạp chí KTVN từ Thời báo KTVN

Bộ TT&TT yêu cầu chuyển đổi Tạp chí KTVN từ Thời báo KTVN

Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành văn bản hướng dẫn Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thành lập tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam theo đề nghị của Hội này sau khi Thời báo Kinh tế Việt Nam giải thể.