Trao đổi với VietNamNet, ông Đông cho hay, làm kinh doanh du lịch, ai cũng mong muốn có điểm nhấn, điểm khác biệt để thu hút, níu chân du khách.
Tuy nhiên, mỗi người có một quan điểm, một góc nhìn khác nhau về nghệ thuật. Người này nhìn thấy đẹp nhưng người khác thì lại thấy không.
Bức tượng mô phỏng Nữ hoàng Elsa tại Sa Pa |
“Không ai có thể “đẽo cày giữa đường” được. Chúng tôi mất nhiều thời gian, lên ý tưởng, thiết kế, tạo khuôn… rồi mới thi công, dựng tác phẩm. Thời gian mất cả tháng chứ không ít”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, tượng Nữ hoàng Băng giá (Nữ hoàng Elsa, tên một nhân vật trong phim hoạt hình nước ngoài) được tạo dựng bằng chất liệu composite. Ông thuê một đơn vị thiết kế và thực hiện.
Tượng cao khoảng 3m, khi hoàn thiện, khách du lịch có thể chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm trong chuyến đi bên cạnh nhân vật rất nổi tiếng.
“Tháng 4 vừa qua, khi chúng tôi đang hoàn thiện tác phẩm Nữ thần Tự do bên trong khuôn viên thì bị cư dân mạng xã hội “ném đá” và chính quyền vào cuộc, kiểm tra.
Sau thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký để gửi lên Phòng Văn hóa – Thể thao và Du lịch của thị xã Sa Pa, trong đó có liệt kê sẽ có những tác phẩm nghệ thuật (tượng, không gian 3D…) sẽ được thiết kế, lắp đặt. Bức tượng mô phỏng Nữ hoàng Elsa là một trong số những điểm nhấn tại điểm check-in của tôi.
Do dịch bệnh Covid-19 nên việc thi công không thể tiến hành liền mạch, liên tục nên thời điểm này chúng tôi mới tiến hành lắp đặt”, ông Đông cho hay.
Tượng có phải là một công trình cần cấp phép xây dựng?
Dưới góc độ một người làm du lịch cộng đồng, ông Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ: Không riêng SaPa, nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước, những người đầu tư kinh doanh du lịch đều mong muốn sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc xây dựng các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời hay các không gian văn hóa, nghệ thuật làm điểm dừng thu hút khách du lịch.
Tượng đang trong giai đoạn thi công, chưa hoàn thiện |
“Một tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật (như tượng) có phải là một công trình hay không? Nếu là công trình thì phải cấp giấy phép xây dựng. Nếu hiểu nó là một hạng mục nằm trong một công trình (điểm kinh doanh du lịch) thì không cần phải có giấy phép. Khi chưa làm rõ vấn đề này thì chính quyền cũng bối rối chứ không chỉ người kinh doanh du lịch.
Còn việc tác phẩm đó xấu hay đẹp, đó là mắt nhìn của mỗi người. Chúng tôi luôn làm hết sức có thể với mong muốn có một tác phẩm hoàn mỹ nhất. Không ai muốn bỏ tiền ra để có một tác phẩm xấu xí cả”, ông Đông cho hay.
Ngày 20/7, một người thợ thiết kế, tạo tác bức tượng Nữ hoàng Elsa do cơ sở của ông thuê đặt đã lên mạng xã hội giải thích, thanh minh về tác phẩm. “Đó là ý kiến của cá nhân họ, không phải là ý kiến của AnSaPa”, ông Đông cho hay.
Trước đó, vào chiều 19/7, đoàn công tác của thị xã Sa Pa đã xuống làm việc với AnSaPa. Đến thời điểm hiện tại, Thị xã vẫn chưa có kết luận sau buổi làm việc.
“Một số cơ quan truyền thông nói chúng tôi phải dỡ bỏ bức tượng là không chính xác. Hiện tại, chúng tôi đang tạm dừng thi công. Tôi mong muốn Thị xã có hướng dẫn để các cơ sở kinh doanh du lịch như chúng tôi biết rõ để thực hiện".
Thông tin với VietNamNet, Chủ tịch thị xã Sa Pa Vương Trinh Quốc cho biết, đã phân công Phó Chủ tịch thị xã Đỗ Văn Tân chủ trì, chỉ đạo, các ban ngành kiểm tra đối với công trình nghệ thuật đang xây dựng của cơ sở AnSaPa.
Chủ bức tượng Nữ thần tự do lại bị kiểm tra vì làm tượng Nữ hoàng băng giá
Một công ty kinh doanh du lịch tại thị xã Sa Pa bị xử phạt trong vụ dựng tượng Nữ thần tự do phiên bản lỗi vào năm ngoái vừa tiếp tục bị kiểm tra vì dựng tượng Nữ hoàng băng giá Elsa.
Thái Bình