Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2020 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc cho ý kiến chiều 14/9 cho thấy: các cấp, ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, giải quyết kịp thời các bức xúc, phản ánh, kiến nghị của công dân ngay từ khi mới phát sinh, không để tạo thành “điểm nóng” phức tạp.

Từ đó, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đơn tố cáo tăng 20,8%

Số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước KNTC, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số lượt đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại KNTC, kiến nghị, phản ánh tăng 1,6% do số đơn tố cáo tăng.

{keywords}
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cụ thể, so với năm 2019, khiếu nại giảm 5,8% số đơn và giảm 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số (61,5%), trong đó tập trung chủ yếu vào việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Còn tố cáo, so với năm 2019 tăng 20,8% số đơn nhưng giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền.

Một số địa phương có số đơn thư tố cáo tăng nhiều là TP.HCM tăng 139% với 2.444 đơn, Tuyên Quang tăng 468% với 670 đơn, Khánh Hòa tăng 204% với  615 đơn, Nghệ An tăng 68% với 375 đơn, Hòa Bình tăng 193% với 220…

Đáng chú ý, nội dung tố cáo chủ yếu liên quan đến cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; có lối sống, sinh hoạt không đúng mực, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, có nhiều người bị tố cáo là nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp.

4 nhóm nguyên nhân cơ bản 

Báo cáo nêu rõ có 4 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến KNTC. Đầu tiên là, một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai như đã nêu tại các kỳ báo cáo trước. Cạnh đó, khiếu kiện ở một số lĩnh vực như: Quy hoạch đô thị, môi trường, chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, dự án BOT... có diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân thứ hai là do thực thi pháp luật. Theo Chính phủ, công tác quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ dẫn tới vi phạm chế độ, chính sách, pháp luật. Thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Bên cạnh đó, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại đối thoại với dân, chưa tập trung, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài.

Nguyên nhân khác là do công tác giám sát, phối hợp và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhận thức của người khiếu kiện còn hạn chế.

Có những trường hợp vụ việc đã được cơ quan chức năng rà soát, giải quyết đúng chính sách, pháp luật, có lý, có tình; tổ chức đối thoại, vận động nhưng công dân vẫn tiếp khiếu, thậm chí có trường hợp phản ứng tiêu cực, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động gây rối hoặc tham gia khiếu kiện đông người, làm mất an ninh, trật tự.

Ngoài ra, năm 2020 cả nước tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là dịp phát sinh khiếu nại, đặc biệt là tố cáo. Nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp.

Chính phủ cho biết, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Vì vậy, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp như chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; tập trung thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh KNTC…

Thu Hằng

Công tác phòng chống tham nhũng 'không chùng xuống, tiếp tục được đẩy mạnh'

Công tác phòng chống tham nhũng 'không chùng xuống, tiếp tục được đẩy mạnh'

Nhiều cán bộ bị tạm đình chỉ để điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý như ông Nguyễn Đức Chung, ông Trần Vĩnh Tuyến…