Ngày 14/2, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành văn bản số 167/KL-TTCP về kết luận thanh tra dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - công ty Gang thép Thái Nguyên.

Hôm qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực đối với kết luận thanh tra.

Điều chỉnh vốn “khủng”

Theo kết luận của TTCP, dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO) có tổng mức đầu tư thời điểm phê duyệt năm 2005 là hơn 242,5 triệu USD (tương đương hơn 3.843 tỉ đồng). Dự án có 2 gói thầu chính là mỏ sắt Tiến Bộ tổng giá trị hơn 442 tỉ đồng và gói thầu tổng EPC số 01 dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá tổng giá trị hơn 2.300 tỉ đồng.

Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện 22 gói thầu khác. Tháng 7/2007, hợp đồng số 01 được ký kết giữa bên giao thầu là TISCO với bên nhận thầu EPC là công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). 

{keywords}
Dự án mở rộng giai đoạn 2 của Nhà máy gang thép Thái Nguyên

Kết luận cho thấy, dự án này sau đó đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) lên con số hơn 8.100 tỉ đồng.

Cụ thể, cuối tháng 8/2012, Tổng công ty thép Việt Nam (VNS) có văn bản đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ điều chỉnh TMĐT với nội dung để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Trên cơ sở báo cáo của TISCO, VNS, Bộ Công Thương về việc tăng TMĐT lên hơn 8.100 tỉ đồng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ: Tài chính, Xây dựng, KH&ĐT đề nghị cho ý kiến. Sau đó, Bộ KH&ĐT có ý kiến dự án này không được điều chỉnh TMĐT; Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xem xét, thẩm định lại sự cần thiết, lý do điều chỉnh TMĐT…

Tuy các bộ, ngành có ý kiến dự án không được điều chỉnh TMĐT, việc điều chỉnh không có cơ sở, không đúng với hợp đồng EPC nhưng Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 3136 vào tháng 4/2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng gửi Bộ Công Thương và VNS với nội dung: “Hội đồng quản trị VNS quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh TMĐT theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả…” dẫn  đến TISCO cho tăng TMĐT điều chỉnh đã được Thủ tướng chấp thuận. Theo TTCP, việc TISCO điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 8.104 tỉ đồng là không có căn cứ, không đúng quy định.

Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là hơn 4.421 tỉ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là hơn 3.896 tỉ đồng. Mặc dù số tiền thanh toán đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng các hạng mục của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành.

Đến năm 2013, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công, nhiều thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư. Cơ quan thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý việc điều chỉnh TMĐT dự án lên hơn 8.100 tỉ đồng không có cơ sở, không đúng quy định.

Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Công Thương tại thời điểm tháng 3/2018, VNS cho biết đã chỉ đạo đại diện vốn tại TISCO chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC.

Theo đó, chủ đầu tư đã hoàn thành xong dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 công ty Gang thép Thái Nguyên liên quan đến Tổng thầu Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). 

{keywords}
Nhà máy gang thép Thái Nguyên

3 phương án được đưa ra, đó là: Tiếp tục hợp đồng với MCC; thanh lý hợp đồng với MCC và khởi kiện trên cơ sở tham vấn các ý kiến của Bộ Tư pháp và tư vấn luật để đảm bảo điều kiện pháp lý.

Theo kế hoạch thì nhiệm vụ này phải hoàn thành trong quý I/2018. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện phương án đàm phán có hiệu quả, giải quyết được triệt để các tồn tại vướng mắc đối với MCC thì Tổng công ty phải thực hiện thoái vốn xong theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Một trong 12 “đại dự án ngàn tỷ” thua lỗ

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương mà Bộ Chính trị chỉ đạo phải khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm.

Đại dự án này được phê duyệt năm 2005, khởi công rầm rộ vào năm 2007, do nhà thầu MCC đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế. Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới hơn 9.000 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, tháng 7/2007, TISCO và nhà thầu MCC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế - E; cung cấp thiết bị - P; xây dựng và lắp đặt - C) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỷ đồng); thời gian thực hiện 30 tháng. Do gặp vướng mắc trong quá trình thi công, giá cả vật tư tăng cao nên tháng 3/2009, MCC đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Vinaincon thực hiện.

Đến đầu năm 2011, do năng lực của Vinaincon hạn chế, không bảo đảm tiến độ nên Bộ Công Thương cho phép TISCO và MCC được phép chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục gặp vướng mắc về tài chính và ngưng trệ đến nay.

TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm nêu tại kết luận. Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu VNS, TISCO và các đơn vị liên quan xử lý các cá nhân có sai phạm.

TTCP cho biết cơ quan chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cản bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại kết luận; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự. TTCP đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Bộ Công an 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Cách nào để hút vốn tư nhân làm các dự án ngàn tỷ?

Cách nào để hút vốn tư nhân làm các dự án ngàn tỷ?

Do ngân sách nhà nước hạn hẹp, nhiều địa phương đã có cách làm rất linh hoạt để thu hút nguồn vốn xã hội hóa. 

Thái Bình