Một giống cây chênh giá nhau gấp 5 lần

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020, UBND tỉnh Điện Biên ra chính sách về việc bổ sung danh mục dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị với tiêu thụ sản phẩm.

Liên quan đến chính sách này, tỉnh Điện Biên giao cho các huyện tự tổ chức lập hội đồng thẩm định giá các giống cây ăn quả và triển khai thực hiện đến với người dân. Toàn bộ số tiền mua cây giống và thực hiện đều trích từ nguồn tiền ngân sách.

Tuy nhiên, tại hội đồng thẩm định địa phương, giá cây trồng lại có mức chênh lệch rất lớn khi cùng một giống cây, mức chênh lệch gấp nhiều lần khi so sánh.

{keywords}
Ông Thào A Páo (xã Xá Nhè, Tủa Chùa) trồng hơn 200 cây xoài Đài Loan

Theo tài liệu VietNamNet có được, tháng 7/2020 Hội đồng thẩm định giá huyện Nậm Pồ ban hành kết luận thẩm định giá các máy móc, nông cụ, cây giống… để các xã làm căn cứ tham khảo, vận dụng trong xây dựng các chương trình, dự án phát triển. Kết luận này có hai điểm đáng chú ý về mức giá sau thẩm định giống cây xoài Đài Loan và cây Mắc ca.

Trong đó, đối với cây xoài Đài Loan (cây 2 năm tuổi, cao trên 1,2m, đường kính gốc ghép trên 1,5cm lá xanh tự nhiên không mắc bệnh) mức giá sau thẩm định là 34 nghìn đồng. Với cây Mắc ca (cây 1 năm tuổi, cao trên 0,7m chồi từ mắt ghép hóa gỗ trên 30cm, đường kính bầu 10cm, lá xanh tự nhiên, không mắc bệnh) có giá sau thẩm định là 60 nghìn đồng.

Đối chiếu cùng loại cây này so với một số huyện khác trong tỉnh Điện Biên như Tủa Chùa và Mường Chà, kết quả sau thẩm định cao hơn và có mức chênh lệch số liệu khá lớn so với huyện Nậm Pồ.

{keywords}
Giá cây xoài sau thẩm định giữa các huyện có mức chênh lệch cao

Cụ thể, tại huyện Mường Chà, cây xoài Đài Loan (2 năm tuổi, giống ghép, đường kính gốc 2-3cm, chiều cao cây 1,2-1,5m, trọng lượng bầu 10kg, không sâu bệnh…) có giá 150 nghìn đồng (theo kết luận thẩm định giá số 01/KL-HĐTĐG huyện Mường Chà tháng 4/2020). Tương tự, tại huyện Tủa Chùa giống cây này cũng có mức giá 150 nghìn (theo kết luận thẩm định giá số 08/KL-HĐTĐG huyện Tủa Chùa tháng 5/2020).

Số liệu tại hai huyện này gần gấp 5 lần so với huyện Nậm Pồ.

Với giống cây Mắc ca tại các địa phương cũng có sự chênh lệch. Cụ thể, theo kết luận thẩm định giá số 10 của huyện Tủa Chùa do Phó chủ tịch (PCT) UBND huyện Vừ A Hùng ký (tháng 5/2020) thì cây Mắc ca (một năm tuổi, cao >= 0,6m; cành ghép từ 20-30cm; đường kính gốc 0,8cm) có giá là 120 nghìn đồng. Con số sau thẩm định của huyện Tủa Chùa gấp đôi so với huyện Nậm Pồ. 

Điện Biên chỉ đạo “khẩn”

Hỏi về chênh lệch sau thẩm định giá, PV VietNamNet nhận lại câu trả lời tỏ rõ sự “bất ngờ” của lãnh đạo các huyện Tủa Chùa và Mường Chà. Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết “rất bất ngờ” và “chưa hiểu vì sao” khi có sự chênh lệch trên.

“Tôi đã trao đổi với phòng NN&PTNT và Tài chính – Kế hoạch (hai cơ quan tham gia công tác thẩm định). Về sự chênh lệch giá nêu trên, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi sẽ yêu cầu giải trình rõ, vì đây là nguồn tiền từ ngân sách nhà nước, chính quyền huyện đứng ra thẩm định giá hộ nhân dân.

Theo nguyên tắc, để ra kết luận thẩm định thì hội đồng phải lựa chọn nhà cung ứng. Có thể anh (hội đồng thẩm định -PV) chọn được nhà cung ứng tốt, hoặc cố tình chọn nhà cung ứng cao hơn lại là vấn đề khác”, ông Tuân nói.

{keywords}
Cây xoài Đài Loan được trồng tại xã Na Sang, huyện Mường Chà

Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tủa Chùa Vũ Ngọc Ánh bày tỏ băn khoăn khi tiếp nhận thông tin có sự chênh lệch giá rất lớn trên cùng một loại cây. “Cả hội đồng làm việc đúng trình tự, mức giá này cũng tương đương một số huyện khác lân cận, không hiểu vì sao huyện Nậm Pồ lại thẩm định thấp như thế?”.

{keywords}
Tỉnh Điện Biên có chỉ đạo "khẩn" sau phản ánh của VietNamNet

Sau khi tiếp nhận thông tin của VietNamNet, ngày 12/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến đã ký văn bản số 4315 về việc “kiểm tra, rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh”. 

Liên quan đến việc giải ngân nguồn vốn nông thông mới, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Điện Biên Nguyễn Thanh Bình xác nhận: "Đến hết tháng 10/2020, tỉnh đã giải ngân gần 50 tỉ đồng (chiếm khoảng 70% nguồn vốn cho năm 2020)".

Theo ông Bình, số liệu trên là tổng hợp cho nhiều hạng mục, từ cây trồng, vật nuôi... trong chương trình nông thôn mới của tỉnh. 

Văn bản của UBND tỉnh Điện Biên đề cập đến việc trong quá trình triển khai dự án “việc hỗ trợ giống, vật tư thực hiện chưa phù hợp như chi phí hỗ trợ giống cây ăn quả (xoài Đài Loan, Mít thái…) còn chiếm tỉ lệ cao trong suất đầu tư cho 1 hecta".

Từ đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát việc đánh giá thẩm định, phê duyệt kinh phí thực hiện các dự án, trong đó đánh giá việc thẩm định, thông báo ra các loại giống cây trồng, vật nuôi… để hỗ trợ việc thực hiện các dự án. Kịp thời chấn chỉnh những sai phạm (nếu có) trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án.

Ngoài ra, tỉnh Điện Biên yêu cầu Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) kiểm tra, đôn đốc, giám sát tình hình tổ chức thực hiện các dự án tại các địa phương sử dụng nguồn ngân sách của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin.

Giá cây cao vì chất lượng tốt, rõ nguồn gốc

Một đại diện công ty cổ phần giống rau quả trung ương (đơn vị phân phối cây ăn quả tại huyện Tủa Chùa) lên tiếng: nguyên nhân giá cây xoài Đài Loan lại cao gấp nhiều lần là vì cây có chất lượng tốt, rõ nguồn gốc, được lai tạo từ vườn cây đầu dòng. 

"So sánh về đường kính giống xoài Đài Loan thì cây chúng tôi cung ứng cho huyện Tủa Chùa là 3cm (so với trên 1,5cm của huyện Nậm Pồ). Chất lượng cây sẽ được đảm bảo hơn so với những giống cây trôi nổi trên thị trường", đại diện trên cho biết.  

Đoàn Bổng 

Mười năm gieo “vàng xanh”, nông dân Lai Châu làm nên những quả đồi triệu USD

Mười năm gieo “vàng xanh”, nông dân Lai Châu làm nên những quả đồi triệu USD

Từ những ngọn đồi heo hút, bản làng liêu xiêu giữa vùng biên viễn, một cuộc “cách mạng” chuyển đổi cây trồng tại Lai Châu được phát động, sau một thập kỷ nay đã thu về những trái ngọt.