Trước khi gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo, cán bộ, người lao động Công ty Đồng Giao (Doveco), Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên bà con nông dân trên nông trường của công ty và dự lễ xuất những chuyến hàng rau quả đầu tiên của công ty sang Nhật Bản trong năm Kỷ Hợi 2019.
Thủ tướng tặng quà cho người lao động Công ty Đồng Giao. Ảnh VGP |
Trong 3 năm qua kể từ khi nhậm chức, cứ dịp đầu Xuân, Thủ tướng lại dành thời gian đến thăm hỏi, động viên bà con nông dân đang lao động trên nông trường, thăm mô hình nông nghiệp hiệu quả.
Thủ tướng nhìn nhận Đồng Giao là một mẫu hình về chuyển đổi thành công từ một nông trường thuần túy sang một công ty cổ phần, huy động nguồn lực xã hội, trong đó, đã áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh. Công ty không chỉ liên kết sản xuất với hộ nông dân ở tỉnh Ninh Bình mà còn với các tỉnh, thành khác trong cả nước để có nhiều loại sản phẩm. Đây được xem là một mô hình tích tụ ruộng đất mới, thành công, quyền lợi của người nông dân được bảo đảm, việc quản lý, sử dụng đất có hiệu quả.
Thủ tướng thăm hỏi, động viên người lao động trên nông trường của Công ty Doveco. Ảnh: VGP |
Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp nước ta không chỉ là bài toán kinh tế, là sinh kế lâu dài của phần đông dân số Việt Nam mà còn là vấn đề xã hội rộng lớn, là điều kiện, quyết tâm của Việt Nam trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì một nước Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng dự lễ xuất những chuyến hàng rau quả đầu tiên của Công ty Doveco sang Nhật Bản trong năm Kỷ Hợi 2019. Ảnh: VGP |
Đòn bẩy chiến lược của Việt Nam
“Tôi làm thử một phép tính nhẩm diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay cả nước khoảng 27,3 triệu ha. Làm như ở Đồng Giao, tức là trên 250 triệu đồng/ha, đây vẫn chưa phải mức năng suất cao, thì chúng ta đã có gần 300 tỷ USD về giá trị sản xuất nông nghiệp. Và nếu chúng ta phấn đấu như tôi đã nói ở Thái Bình, là 500 triệu đồng/ha thì chúng ta có giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 600 tỷ USD”, Thủ tướng nói.
Như vậy, cùng với kinh tế số, nông nghiệp thông minh hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép, đó là trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao trước 2035 và một xã hội công bằng, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa, bền vững về môi trường sống ở nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Chính phủ xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chủ trương lớn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định chính trị, kinh tế, là nền tảng quan trọng của xã hội, tác động sâu sắc đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ảnh: VGP |
Vì thế, định hướng chiến lược của chúng ta cần được thể hiện đầy đủ, rõ ràng và tương xứng với các nội dung chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vào năm 2021. Với cương vị Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội, Thủ tướng khẳng định, sẽ hết sức quan tâm và chỉ đạo xây dựng nội dung về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là lĩnh vực không thể thiếu được trong sự phát triển đất nước.
Thủ tướng cho rằng, thành quả nông nghiệp năm 2018 rất đáng tự hào, xuất khẩu nhiều nông sản đứng trong tốp 15 thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, hàm lượng chế biến còn thấp. Đây là điểm yếu, cũng là cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam. Nông nghiệp luôn là lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn của Việt Nam. Vì vậy, cần phát triển nông nghiệp bền vững, khôi phục lại hệ sinh thái cho nông nghiệp Việt Nam, nguồn nước, hệ sinh dưỡng, đất đai, thổ nhưỡng, đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam gắn liền với công nghiệp chế biến sâu, công nghệ hiện đại, như Đồng Giao đã và sẽ làm trong thời gian tới.
Ngoài những kinh nghiệm truyền thống như “nước, phân, cần, giống” thì năng suất nông nghiệp Việt Nam cần phải tập trung vào đâu? Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, có 5 xu hướng lớn về công nghệ sẽ quyết định sự phát triển năng suất nông nghiệp Việt Nam và nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng thăm hỏi người lao động Doveco. Ảnh: VGP |
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam, Công ty Đồng Giao phải áp dụng mạnh mẽ, một là, công nghệ cảm biến, hai là robot tự động hóa, máy bay không người lái, thứ 3 là dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, thứ 4 là công nghệ in 3D, thứ 5 là ITC, internet vạn vật.
Thủ tướng đề nghị, cần sớm nắm bắt và làm chủ các công nghệ này để chúng ta đưa vào phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, năng suất cao.
Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là công nghệ trong canh tác, chế biến sản phẩm mà còn là công nghệ quản trị.
Theo Thủ tướng, quy mô đầu tư vào nông nghiệp chưa bao giờ cao như là những năm gần đây và chúng ta phải đi tiếp tục xu hướng này. Không có doanh nghiệp, không có HTX thì bất thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao ở Việt Nam.
“Anh đi con trâu đi trước cái cày theo sau, HTX kiểu cũ không đổi mới, không tích tụ ruộng đất, không đổi mới quản trị trong nông nghiệp bất thành nền nông nghiệp hiện đại của một đất nước mà đại đa số là nông dân”, Thủ tướng nói. Vì thế, Thủ tướng giao cho các cơ quan, trong đó Bộ NNPTNT, Bộ KHĐT và các bộ liên quan có các chính sách cởi trói và thúc đẩy cho nông nghiệp.
Cho rằng kết quả của ngành nông nghiệp thời gian qua mới chỉ là khởi đầu, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan Trung ương và tất cả các tỉnh, thành trên cả nước cần tập trung lãnh đạo chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng khoa học công nghệ, đa dạng sản phẩm, đi sâu vào chế biến để có sản xuất hàng hóa lớn, không chỉ bảo đảm tiêu dùng cho gần 100 triệu dân của Việt Nam mà còn có một thị trường xuất khẩu lớn, đa dạng, để làm sao con số kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp không chỉ trên 40 tỷ USD như hiện nay.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xuống đồng cày ruộng ở lễ Tịch điền
Trong bộ quần áo nâu, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình thực hiện nghi thức xuống đồng, cày ruộng đầu năm trong lễ hội Tịch điền.
Theo VGP