Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã thăm chính thức Việt Nam trong các ngày 18-20/10. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide, diễn ra một tháng sau khi ông nhậm chức và là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.
Theo giới quan sát, việc Thủ tướng Nhật Bản Suga chọn thăm Việt Nam đầu tiên ngay sau khi lên nắm quyền cho thấy ông đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản cũng như ý nghĩa của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Tokyo.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam trong các ngày 18-20/10 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Lựa chọn tự nhiên
Tờ Japan Times trích dẫn phân tích của ông Kuni Miyake, Chủ tịch Viện Chính sách đối ngoại đồng thời là cố vấn đặc biệt của chính quyền Thủ tướng Suga đánh giá, việc ông Suga lựa chọn Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên là sự lựa chọn “tự nhiên”. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Mỹ - đồng minh an ninh và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.
Liên quan đến câu hỏi tại sao lại là Việt Nam và Indonesia mà không phải các quốc gia khác trong ASEAN, chuyên gia Kuni Miyake nói: “Việt Nam là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, còn Indonesia là một thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20)”.
Theo chuyên gia này, Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), tạo cơ sở cho một môi trường ổn định và thịnh vượng hơn ở Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á. Vì thế, chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đến Việt Nam và Indonesia là sự kiện đáng mong đợi.
Còn theo ông Yoshida Tomoyuki, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, người phát ngôn của Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Suga Yoshihide đánh giá quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử hai nước.
Thủ tướng Suga đánh giá Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Nhật Bản trong việc thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”; đánh giá tiềm năng quan hệ với Việt Nam là “không có giới hạn” và nhấn mạnh sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Tờ Thời báo Ấn Độ Times of India cho rằng, việc ông Suga lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài ngay khi lên nắm quyền đã phản ánh những tiến bộ đáng kể trong quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Việt Nam có tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược đối với Nhật Bản. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại song phương 9 tháng đầu năm 2020 đã tăng khoảng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Times of India, việc Việt Nam thực hiện tốt vai trò chủ tịch ASEAN và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã nổi lên là một quốc gia vững vàng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.
Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hút các công ty sản xuất nước ngoài và tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh để họ phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang từng bước cung cấp những lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp sản xuất. Đây là một trong những yếu tố khiến nhiều công ty Nhật Bản “để mắt” đến Việt Nam.
Thủ tướng Suga gây ấn tượng khi phát biểu bằng tiếng Việt: "Xin chào. Tôi là Suga Yoshihide. Tôi yêu Việt Nam. Tôi yêu ASEAN" tại Đại học Việt-Nhật. |
Thành công vượt dự kiến
"Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thành công vượt dự kiến. Đây sẽ là cú hích đúng lúc và là cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước", ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đánh giá. Sự thành công thể hiện ở việc lãnh đạo hai nước nhất trí cùng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Hai bên đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm khôi phục, đẩy mạnh hợp tác trong điều kiện "bình thường mới" trên tất cả các lĩnh vực.
Cơ hội lớn mở ra cho hợp tác là sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến việc đa dạng hóa chuỗi sản xuất ở Việt Nam và Đông Nam Á nói chung.
Khi gặp gỡ các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, ông Cường cho hay họ rất "phấn khích" về những thoả thuận mà lãnh đạo hai bên đạt được trong chuyến thăm của ông Suga. Do đó, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, trong điều kiện "bình thường mới".
Cũng dự đoán doanh nghiệp Nhật sẽ gia tăng hoạt động ở Việt Nam, Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế, Nhật Bản, dự đoán dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng.
Việt Nam là địa điểm hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản và Nhật Bản cũng coi Việt Nam là một động lực kinh tế mạnh mẽ để thúc đẩy hội nhập nội khối ASEAN, giúp duy trì sự tự chủ của Hiệp hội.
Tuy nhiên, cây cầu nối Việt Nam - Nhật Bản không chỉ là những doanh nghiệp, giới đầu tư mà còn là nguồn nhân lực. GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản) chia sẻ, “đi trên đường phố Tokyo những ngày này tôi cũng thường bắt gặp nhiều người, chủ yếu là giới trẻ, vừa đi vừa trò chuyện bằng tiếng Việt”. Người Việt Nam ở Nhật đã lên tới 410.000 - thống kê cuối năm 2019 - chiếm 14% trong tổng số người nước ngoài tại đây, đông thứ ba.
GS. Trần Văn Thọ nhìn nhận lý do Thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khu nhậm chức là ngoài hai yếu tố Việt Nam là nước bị ảnh hưởng tương đối nhẹ trong đại dịch và đang giữ ghế Chủ tịch trong khối ASEAN thì yếu tố quan trọng nhất là quan hệ hai nước đang phát triển mạnh về đầu tư, ngoại thương, du học, lao động.
Giáo sư ví von “một phong trào Đông Du mới đã xuất hiện”. Trong số 410.000 người Việt Nam tại Nhật có tới 80.000 là du học sinh, tăng tới 15 lần trong 9 năm qua. Chưa có thống kê chính thức, nhưng trong đó, số nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ước tính lên tới 3.000 người và có ít nhất 1.000 người đã lấy bằng tiến sĩ và đang nghiên cứu theo chế độ hậu tiến sĩ (postdoc).
Theo GS. Trần Văn Thọ, chuyến thăm của Thủ tướng Suga là cơ hội cho Việt Nam chủ động hành động, thiết lập tầm nhìn chiến lược và tận dụng phong trào Đông Du mới để đẩy mạnh công nghiệp hóa.
Có lẽ vì thế, một trong những điểm ghé thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide khi ở Việt Nam là Đại học Việt - Nhật, một biểu tượng của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Trong bài phát biểu quan trọng với các giảng viên, sinh viên tại đây, Thủ tướng Suga đã gây ấn tượng khi phát biểu bằng tiếng Việt: "Xin chào. Tôi là Suga Yoshihide. Tôi yêu Việt Nam. Tôi yêu ASEAN".
Thủ tướng Suga đã kể câu chuyện của chính bản thân mình, để qua đó các em sinh viên cảm thấy ông trở nên gần gũi và thân thiết hơn một chút, cũng giống như ông luôn cảm thấy “vô cùng thân thiết và gần gũi với Việt Nam và ASEAN". “ASEAN và Nhật Bản là đối tác bình đẳng và cũng là những người bạn. Chúng ta cùng nhau nỗ lực hướng đến sự phát triển, cùng trau dồi rèn giũa, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Đây chính là mối quan hệ thấu hiểu và gắn kết ‘từ trái tim đến trái tim".
Theo VGP
Thủ tướng: Tạm cấp 500 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp 5 tỉnh miền Trung bị lũ lụt
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 5 tỉnh miền Trung.