Sáng 28/3, Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức hội thảo nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh - tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương.
Thay đổi cách thức quản lý và phân bổ nguồn lực
Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khái quát lại tình hình năm 2021 với nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19.
Đến nay, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Theo ông Thắng, việc phục hồi và phát triển kinh tế cần đặt trong xu hướng toàn cầu, gắn tầm nhìn quốc gia và hành động của các địa phương.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, nguồn lực quan trọng nhất là tài nguyên số và trí tuệ con người. Động lực quan trọng nhất là những ngành phát triển số, cụ thể là kinh tế số đang làm thay đổi cách thức phân bổ và quản lý các nguồn lực trên phạm vi toàn cầu, các khu vực và từng quốc gia.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
Các áp lực chuyển đổi phương thức phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt thiếu hụt tài nguyên khiến các nền kinh tế đi sau gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn lực.
Vì vậy, Việt Nam cần nhận diện đúng, dự báo trúng và bắt nhịp nhanh với các xu hướng toàn cầu. Nếu như không thể đứng được trên vai của những người khổng lồ thì chí ít cũng có thể đi cùng với họ, để khai thác tốt nhất những động lực và nguồn lực bên ngoài, không chỉ để khắc phục những hệ luỵ của đại dịch Covid-19 mà còn phải kiến tạo được những nền tảng cho sự phát triển trong trung và dài hạn.
Để đạt mục tiêu phát triển thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, một số nghiên cứu cho rằng, Việt Nam cần đạt tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người trong 30 năm tới là 6,7%.
"Đây là một thách thức rất lớn, bởi theo nguyên lý đơn giản là: Càng leo núi lên cao thì tốc độ leo càng chậm lại, trong khi tăng trưởng thu nhập bình quân thực tế trên đầu người trong gần 30 năm qua của Việt Nam chỉ là 5,6%/ năm", ông lưu ý.
Theo ông Thắng, tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển nhưng việc này phải gắn liền với việc khởi tạo các động lực chính của tăng trưởng.
Trong đó, cần tháo gỡ các nút thắt, giải quyết các điểm nghẽn về nguồn lực đang cản trở sự phát triển nhanh và bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam; tạo điều kiện huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, con người, môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, thúc đẩy trọng tâm cải cách thể chế.
Mặt khác phải đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết ngành mở rộng không gian phát triển, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, chia sẻ và trao đổi học hỏi lẫn nhau.
"Muốn tăng liên kết vùng phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, cục bộ, ngắn hạn, chủ nghĩa địa phương để phát huy tiềm năng lợi thế theo nguyên tắc “cùng thắng, cùng phát triển” thay vì phát triển không bền vững", ông Thắng đúc kết, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi tới đích thì phải đi cùng nhau.
Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Ông cũng lưu ý đến việc tạo thuận lợi quá trình “nhập cuộc – rút lui” của doanh nghiệp, mở rộng sân chơi mang lại hiệu quả. Đó là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhập cuộc, có điều kiện đảm bảo hiệu quả, bền vững lâu dài với môi trường hấp dẫn các doanh nghiệp FDI...
Ngoài ra, ông cũng lưu ý, tăng năng suất cần được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, tùy thuộc vào tiềm năng, lợi thế từng địa phương.
Hội thảo thu hút 76 bài tham luận, trong đó có 21 tham luận của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương. |
“Chúng ta cứ nói ‘làm tổ cho đại bàng’ nhưng không dễ, nên đòi hỏi địa phương phải sáng tạo, đặc biệt khi xuất hiện mô hình quản trị mới, khai thác và phát huy nguồn lực con người”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nói.
Địa phương cần có dự án, kế hoạch hành động cụ thể, cá nhân hóa, cá thể hóa trách nhiệm, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.
Để giải quyết vấn đề thu nhập cao, theo ông Thắng cần phải chuyển sang hướng đẩy ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, đô thị thông minh đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng sống.
Yêu cầu chuyển dịch đó đòi hỏi phải nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu về một địa phương “đất lành, chim đậu”, có sức hấp dẫn cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Hội thảo thu hút 76 bài tham luận, trong đó có 21 tham luận của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương; tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành…
Hội thảo tập trung bàn thảo sâu 4 nội dung: Thứ nhất, nhận thức chung về bối cảnh và nguồn lực, động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn.
Thứ hai, khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Thứ ba, khơi thông, giải phóng nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn - nhìn từ phương diện quản trị địa phương của Quảng Ninh.
Thứ tư, hành động của địa phương và doanh nghiệp trong huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn.
Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ lĩnh hội, tiếp thu và báo cáo các nội dung có liên quan về việc khai thác, phân bổ, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiếng nói từ các địa phương tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng có liên quan.
Thu Hằng
Thủ tướng đôn đốc triển khai chính sách phục hồi kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.