Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII vào cuối tuần qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu hàng loạt con số ấn tượng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

{keywords}
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 18, 19 của BCH Trung ương khóa XII (về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực hiệu quả; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), bộ máy đã được “giảm cân” đáng kể.

So với thời điểm trước khi có hai nghị quyết này (trước tháng 7/2017), đến cuối năm 2019, bộ máy đã giảm: 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 565 đơn vị hành chính cấp xã, hơn 5.000 đơn vị sự nghiệp.

{keywords}
 

Về biên chế, cả nước giảm 500.000 người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách (gần 15%) so với thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị (30/4/2015). Trong đó, giảm 40.000 công chức từ cấp huyện trở lên; viên chức giảm 200.000; hợp đồng lao động giảm gần 7.000 người; công chức cấp xã 5.000; hoạt động không chuyên trách ở xã thôn, tổ dân phố giảm 260.000 người.

Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không chỉ nằm ở những con số ấn tượng mà được tính toán “ra tiền, ra gạo”.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, năm 2019 so với 2017 giảm 0,85% tỉ trọng chi thường xuyên, tương đương 10.000 tỷ. Lũy kế từ năm 2017 – 2019, chi NSNN giảm trên 15.000 tỷ đồng từ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới sự nghiệp công.

Ở góc độ là cơ quan đưa nghị quyết vào cuộc sống, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng nhìn nhận, 1 trong 5 dấu ấn ngành làm được trong nhiệm kỳ này là việc tổ chức, sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế.

Những con số này càng có ý nghĩa hơn khi được đặt trong bối cảnh trong suốt 10 năm, đặc biệt những năm cuối của nhiệm kỳ XI và đầu nhiệm kỳ XII “chúng ta càng kêu gọi tinh giản, biên chế lại càng tăng biên chế; càng kêu gọi tinh gọn, bộ máy càng bộ phình”.

Như Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ, đây là vấn đề trong nhiều nhiệm kỳ qua được Đảng quan tâm mà chưa làm được nhưng lần này đã sắp xếp có hiệu quả hơn, bài bản hơn. Bởi sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là lĩnh vực rất nhạy cảm, đụng đến “nồi cơm” của không ít cán bộ, công viên chức nên chẳng mấy ai mong muốn "được gọi tên mình".

{keywords}
Kết quả về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Vì thế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ, ông gặp không ít áp lực khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế khi hàng năm gần như không có bộ, ngành, địa phương nào đề nghị giảm biên chế mà ai cũng đề nghị tăng, ai cũng kêu gọi tinh giản biên chế nhưng “giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”.

Ngay Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng thừa nhận: “Việc này rất là khó vì đụng đến con người, tổ chức nên rất nhạy cảm nhưng với quyết tâm rất cao, chúng ta thấy đúng thì tập trung làm quyết liệt”.

Câu chuyện bộ máy cồng kềnh cũng là nỗi bức xúc của người dân trong suốt một thời gian dài. Trong nhiều cuộc họp, nhiều diễn đàn, nhiều ý kiến phản ảnh về tình trạng: “bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, chồng chéo, càng thực hiện tinh giản biên chế thì bộ máy càng phình to hơn, biên chế càng tăng”

Còn nhớ tại phiên thảo luận của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 vào ngày 30/10/2017, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Minh Sơn phải thốt lên: “Cái bánh ngân sách dù có trở thành “nồi cơm của Thạch Sanh” cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay”.

Xa hơn, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, ĐBQH Trần Du Lịch (TP.HCM) đã ca thán: “Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”.

Đến nay, với những con số rõ như ban ngày được chính người làm công tác tổ chức báo cáo trước hàng triệu đảng viên cho thấy, công cuộc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vốn phức tạp, nhạy cảm, động chạm lâu nay đã không còn là khẩu hiệu “hô hào suông” nữa.

Tuy bộ máy "đã được giảm cân", "đã không còn béo" như trước nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý mới đây: "Biên chế có giảm thật nhưng bộ máy vẫn còn cồng kềnh, đi liền là sử dụng kinh phí ngân sách còn lãng phí".

Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu "các bộ ngành không nên ôm hết việc khiến bộ máy phình ra" và đề nghị Bộ Nội vụ xem lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay.

Cũng chính vì thế mà trong ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đặt ra, có nhấn mạnh đến việc "tiếp tục đổi mới kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức".

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hy vọng 5 năm sau, người dân cả nước lại được nghe những con số ấn tượng về một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thật sự là một bộ máy "khỏe mạnh" chứ không phải những lời ca thán như bấy lâu nay. 

Thu Hằng

Đề nghị đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở

Đề nghị đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vừa qua Chính phủ đề nghị Văn phòng Trung ương nên đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở.