- Mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ - Thủ tướng nói.

Sáng nay, tại TP Long Xuyên, An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL”.

Giá thành cao, cạnh tranh kém

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, nhờ đổi mới với một loạt chính sách quan trọng như Khoán 10, Chỉ thị 100, tự do lưu thông lương thực, đến nay, chúng ta đã bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu hàng triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, hiệu quả trồng lúa còn thấp, kể cả sản xuất 3 vụ 1 năm, lãi gộp cao nhất cũng chưa đến 30 triệu đồng/ha/năm. 

“Ngay ở vựa lúa lớn nhất cả nước, người nông dân trồng lúa bao đời nay cũng chỉ lấy công làm lãi”, Thủ tướng nói.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Cụ thể, sản xuất lúa sử dụng nhiều lao động, vật tư, sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước, nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Giá thành gạo cao hơn so với thế giới. Khả năng cạnh tranh kém, chỉ bán vào thị trường dễ tính, chưa qua chế biến sâu, chất lượng không đồng đều, hầu như không có tên tuổi nổi trội. Chưa có thương hiệu nổi tiếng và bị lấn sân ngay cả thị trường trong nước.

“Mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”, Thủ tướng bày tỏ và cảnh báo, các nước nhập khẩu gạo tăng cường trợ cấp nông nghiệp để tự túc sản xuất gạo.

Thủ tướng cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện. Ngành lúa gạo cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.

{keywords}

Thủ tướng tham quan các sản phẩm gạo

Thủ tướng cho rằng: Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới mà chúng ta phải phấn đấu trong 10 - 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới.

Giải pháp đột phá

Thủ tướng đề nghị đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, mô hình phát triển.

Thứ nhất là điều chỉnh quy mô, cho phép người trực tiếp sản xuất tăng được quy mô bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp. Việc hình thành các cánh đồng mẫu lớn, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, thuê lại đất lâu dài là những hướng điều chỉnh quy mô phù hợp. Thủ tướng cho rằng cần cơ giới hóa nông nghiệp đi liền với đột phá trong vấn đề rút lao động ra khỏi nông nghiệp, nông thôn, cải thiện căn bản thị trường lao động phi chính thức.

{keywords}

Bên cạnh đó, điều chỉnh mục đích sử dụng đất lúa với tinh thần là vẫn giữ đất lúa nhưng xem xét lại mùa vụ, tính toán xen canh cây, con gì trên đất lúa, “chứ chúng ta không có chủ trương lấy đất lúa để làm sân golf”.

Xây dựng hệ thống thủy lợi một cách hiện đại, hướng đến đa mục tiêu và áp dụng cơ chế thị trường về giá nước sản xuất để người dùng tiết kiệm, sử dụng nước hiệu quả hơn. Kinh tế hợp tác và tư nhân sẽ làm dịch vụ quản lý tưới tiêu nội đồng.

Tổ chức sản xuất lớn, hình thành các vùng chuyên canh lúa tập trung cho từng mục đích, từng thị trường, có các cụm công nghiệp dịch vụ chế biến sâu, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật trên quy mô lớn. Hình thành cho được chuỗi giá trị, phải giải quyết được vấn đề quy hoạch kinh tế và liên kết vùng.

Các ngành chức năng, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường. Các địa phương phải có giải pháp không để hạt gạo đi lòng vòng trước khi xuất khẩu, chịu chi phí trung gian lớn. Tất cả các tỉnh làm lương thực phải tập trung hơn nữa để sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hình thức đẹp, sạch, đặc biệt là xây dựng một số thương hiệu lớn.

Yêu cầu chú trọng, phục vụ tốt hơn nữa thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đừng để tình trạng gạo nước ngoài “xâm thực” nằm “đầy kệ” với bao bì đẹp, quảng bá rất mạnh.

Về thể chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét sửa điều 109 luật Đất đai, trước hết là có một số chính sách quy định phù hợp để mở rộng hạn điền. Lưu ý việc bồi thường thỏa đáng cho người dân khi thu hồi đất trên tinh thần khuyến khích mạnh mẽ hơn cánh đồng mẫu lớn; mở rộng, khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp; mở rộng quyền sử dụng đất và bảo hộ quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp tư nhân.

Nhấn mạnh các bộ, ngành liên quan đều phải tiếp thu các ý kiến góp ý để hình thành, bổ sung một số chính sách sớm hơn nữa, Thủ tướng nêu danh mục chính sách cụ thể cần sửa. Đó là Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo với tinh thần là không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo, không quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, không nên cho trao cho Hiệp hội Lương thực VFA nhiều quyền không nên có như quy định giá sàn, phân phối hạn ngạch cứng 80% để bảo đảm kinh tế thị trường.

{keywords}

Thứ hai là Nghị định 35 về quản lý sử dụng đất trồng lúa, cần bỏ một số khoản không cần thiết. Thứ ba là Quyết định 1898 về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành lúa ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 trong đó có nhiều mục tiêu chưa phù hợp với tầm nhìn lúa gạo Việt Nam nói trên.

Thứ tư là cần sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư cho xay xát, chế biến, kho bãi phải được vay dài hạn hoặc trung hạn, những doanh nghiệp đã vay ngắn hạn thì cần được tái cơ cấu lại nguồn vay để đầu tư lâu dài.

“Tôi nói một số văn bản mà hôm nay chưa thể nêu hết được. Tinh thần là chúng ta sẽ sửa thể chế mạnh mẽ hơn, bãi bỏ những việc không cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Tất cả chúng ta phải dựa vào dân, vào khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp, nông thôn chứ không phải dựa vào nhà nước. Cho nên các địa phương phát động dân để làm việc này một cách thực chất”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, những năm kháng chiến, người nông dân đã tiến hành một cuộc cách mạng giành lại độc lập cho dân tộc, giờ đây, người nông dân, những doanh nghiệp nông nghiệp cùng với Chính phủ sẽ làm một cuộc cách mạng về chất trong nông nghiệp, đặc biệt là nâng hiệu quả sản xuất lúa gạo cả nước mà trước hết là ĐBSCL.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh cùng xắn tay áo, cùng Nhà nước lo cho sản xuất lúa gạo theo định hướng hữu cơ, chất lượng và thương hiệu.

Chính phủ thống nhất mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất

Chính phủ thống nhất mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất

Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan tới chính sách hạn điền, tín dụng… gây khó khăn cho doanh nghiệp đã được Chính phủ quyết nghị hướng xử lý.

Thủ tướng thưởng thức cà phê tại Đắk Lắk

Thủ tướng thưởng thức cà phê tại Đắk Lắk

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham quan hội trợ triển lãm chuyên ngành và thưởng thức cà phê tại TP Buôn Ma Thuột.

Khi Thủ tướng trả tiền phở cho cả đoàn

Khi Thủ tướng trả tiền phở cho cả đoàn

Chủ quán ngỡ ngàng. Người dân cũng ngỡ ngàng không kém khi ông đứng lên trả tiền ăn sáng, uống cà phê cho cả đoàn. 

Trần Thường