- Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, phù hợp nhất để mang lại cuộc sống tốt hơn cho gần 20 triệu người.

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể sáng nay tại hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự lạc quan với tương lai của khu vực này, dù đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt.

Thủ tướng tin tưởng, ĐBSCL sẽ trở thành khu vực giàu có của Tổ quốc gần 100 triệu dân.

Thủ tướng cho biết, tháng 7 vừa qua ông đã thăm Hà Lan, trực tiếp đi khảo sát vùng đồng bằng của quốc gia này với địa hình thấp hơn mực nước biển vài mét. Trong chiều qua, Thủ tướng tiếp tục đi khảo sát dọc khu vực sông Hậu và bờ biển sạt lở tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai mạc phiên toàn thể sáng nay. Ảnh: T.Hạnh

“Tôi nhận thấy biển đang dần xa, thấy được thành công quan trọng của những giải pháp phi công trình và công trình cho việc ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tôi cũng thấy được sự năng động của bà con khi tự tổ chức lại sản xuất”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho rằng nếu không biến đổi tốt, chúng ta sẽ phải trả giá đắt với thiên nhiên, đó là sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, nước biển dâng...

“Chúng ta không nên hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, phù hợp nhất trong đó có đổi mới tư duy của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người cùng vượt qua thách thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Mong phản biện cả Chính phủ, Bộ trưởng

Thủ tướng nói rõ, tầm nhìn của Chính phủ với ĐBSCL là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở đất và nước điều hoà, nâng cao đời sống của nhân dân.

“Chính phủ, Thủ tướng cam kết với quyết tâm chính trị cao, kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế, huy động nguồn lực cần thiết có thể được, cụ thể hoá các hành động thực hiện, các sáng kiến, các nhiệm vụ, các gỉải pháp từ hội nghị này cho quá trình phát triển bền vững cho ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này, biến thách thức thành thời cơ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu hội nghị phải đưa ra được các quyết sách mới cho hệ thống chiến lược, trong đó đột phá về quan điểm phát triển, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp, huy động được sự tham gia của các bên và toàn xã hội theo tiêu chí khả thi, dễ vận dụng, có tính kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh chia rẽ, bị động.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các ĐB tiếp tục đóng góp ý kiến, đặc biệt tập trung 6 vấn đề chính:

Thứ nhất, xác định rõ các thách thức mang tính sống còn mà ĐBSCL đang đối mặt với đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn khách quan.

“Người ta hay nói hình như ĐBSCL sắp mất trong 50-70 năm nữa, trong khi nhiều đồng bằng ở nhiều nước khác cũng bị tình trạng như ta nhưng họ đã vượt lên, đó là kinh nghiệm đối với Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, cần chỉ ra quan điểm chỉ đạo đối với việc định hình chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt liên quan đến sắp xếp quy hoạch lại không gian lãnh thổ cho tiểu vùng kinh tế sinh thái như nước mặn, nước ngọt, nước lợ, chuyển đổi cơ cấu lao động, kết cấu hạ tầng, hướng đầu tư... đảm bảo sự phát triển tổng thể, kết nối trong toàn vùng, kết nối với TP.HCM, bảo tồn những giá trị cơ bản, cốt lõi của vùng ĐBSCL.

Thứ ba, xác định rõ đâu là giải pháp cấp bách, đâu là chiến lược lâu dài, các nhiệm vụ ưu tiên cụ thể phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể.

Thứ tư, hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhất là đất đai, thuế, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nhân lực, phát triển thị trường, khuyến khích sự thu hút tham gia của người dân, DN trong và ngoài nuớc.

Tinh thần là cái gì tư nhân làm được thì khuyến khích tư nhân bỏ tiền ra làm. Đồng thời phải huy động được sự tham gia hiệu quả của các đối tác quốc tế, đặc biệt là sự tăng cường hợp tác trong tiểu vùng sông Mekong.

Thứ năm, phải có cơ chế điều phối tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá đủ mạnh và hiệu quả, giúp Chính phủ, Thủ tướng theo dõi, giám sát quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Thủ tướng nói rõ, không phải chúng ta làm hội nghị 1 lần mà ít nhất 2 năm tổ chức 1 lần để theo dõi, đôn đốc xử lý những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với ĐBSCL.

Cuối cùng, Thủ tướng mong muốn các ĐB sẽ phát huy dân chủ, nói thẳng, nói thật để cùng hợp tác, phát triển.

“Tôi đọc một loạt các báo cáo của chuyên gia nổi tiếng Việt Nam và thế giới. Tôi mong muốn các ĐB, chuyên gia phản biện những vấn đề đặt ra của Chính phủ, các Bộ trưởng để chúng ta cùng thảo luận tìm ra những giải pháp tốt nhất”, Thủ tướng chia sẻ.

Việt Nam cứ say sưa xuất khẩu gạo số 1, 2 để làm gì?

Việt Nam cứ say sưa xuất khẩu gạo số 1, 2 để làm gì?

“Trồng lúa không giúp nông dân làm giàu, vậy tại sao 1/4 thế kỷ qua, chúng ta vẫn say sưa với vị trí số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo?”.

Chìa khóa bền vững hóa giải những thách thức của ĐBSCL

Chìa khóa bền vững hóa giải những thách thức của ĐBSCL

Phải coi lũ như một chìa khóa bền vững để hóa giải những thách thức của ĐBSCL - nguyên Cục trưởng Cục Đê điều Nguyễn Ty Niên nói.

Biến đổi khí hậu: Thời cơ ‘làm mới' cho chính ĐBSCL

Biến đổi khí hậu: Thời cơ ‘làm mới' cho chính ĐBSCL

TS. Hoàng Quốc Tuấn, chuyên gia nông nghiệp, nguyên Giám đốc Phân viện thiết kế và quy hoạch nông nghiệp khẳng định như vậy trong câu chuyện về biến đổi khí hậu (BĐKH) ở ĐBSCL.

Quyết sách cho sự ‘sống-còn’ của ĐBSCL

Quyết sách cho sự ‘sống-còn’ của ĐBSCL

Các quyết sách, chuyển đổi lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long phải trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm của người dân.

Thủ tướng thị sát ĐBSCL bằng trực thăng

Thủ tướng thị sát ĐBSCL bằng trực thăng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng trực thăng

 

Thúy Hạnh