Tại phiên chất vấn sáng 12/11, trước khi trả lời câu hỏi chất vấn của các ĐBQH, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung.

Nhắc lại lời ĐBQH phát biểu mấy ngày qua, Thủ tướng chia sẻ, qua đại dịch đã khẳng định những kết quả đáng trân trọng trên các lĩnh vực mà đất nước ta đã đạt được, ngược lại cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập có tính hệ thống của nhiều ngành, nhiều cấp.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Nhưng trong “nguy” có “cơ”, tạo ra áp lực và là động lực để các cấp, các ngành, các địa phương, người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động để thích ứng với tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Báo cáo, giải trình một số vấn đề được ĐBQH và đồng bào, cử tri quan tâm, thảo luận, chất vấn, Thủ tướng khái quát lại 8 nhóm nội dung.

Cụ thể, về tình hình KTXH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời điểm hiện nay, Thủ tướng cho biết, tình hình KTXH tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Nhiều địa phương nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong phục hồi, phát triển KTXH gắn với kiểm soát dịch bệnh...

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý “chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài”.

Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vắc xin trên toàn quốc.

Về định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời.

“Chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc; có lộ trình từng bước tiêm vắc xin cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước”, người đứng đầu Chính phủ thông tin.

Theo dự báo, đại dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu với khả năng xuất hiện các biến chủng mới. Vì vậy, theo Thủ tướng, chúng ta vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH phù hợp, hiệu quả.

{keywords}
Quốc hội chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Minh Đạt

Thủ tướng cũng lưu ý đến việc thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể là, chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương...

Đồng thời, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc xin đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH...

Hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả

Về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng lưu ý, tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch Covid-19…

Cùng với đó, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người dân bị tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Về các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công được kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH.

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển KTXH trình Quốc hội xem xét.

Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp...

Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh khôi phục, phát triển thị trường lao động và đào tạo lao động; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số…

Không thể kéo dài học trực tuyến 

Về các giải pháp phục hồi thị trường lao động, người đứng đầu Chính phủ cho hay, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh…

Về lâu dài, Chính phủ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động; đẩy mạnh, xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế…

Liên quan đến nhiều người người lao động về quê trong thời điểm dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo phân tích, đánh giá kỹ để có giải pháp cụ thể, trước mắt và căn cơ, lâu dài, bảo đảm các điều kiện cần thiết để ổn định đời sống, việc làm cho người lao động; nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch chuyển lao động an toàn, hiệu quả.

Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược còn chậm, Thủ tướng nhìn nhận có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là cơ bản của cả chính quyền trung ương và địa phương.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân, thúc đẩy triển khai đúng quy trình, quy định, bảo đảm kịp thời, tránh tiêu cực, lãng phí. Cùng với đó rà soát, kiên quyết điều chuyển vốn, không để tình trạng dàn trải, lãng phí.

Về vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua. Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vắc xin cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

“Trong lúc khó khăn nhất của dịch bệnh, chúng ta luôn có niềm tin chiến thắng, niềm tin ấy được thắp sáng bởi tinh thần đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa, đã thống nhất thì thống nhất hơn nữa trong nhận thức và hành động. Niềm tin ấy là động lực, là quyết tâm, là trách nhiệm của mỗi chúng ta để thực hiện thành công chủ trương vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, Thủ tướng đúc kết.

Thu Hằng - Hồng Nhì - Trần Thường 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khẩn trương mở cửa trường học trong năm 2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khẩn trương mở cửa trường học trong năm 2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.