- Hình ảnh cậu bé ở Pháp ăn quả táo vừa mua ở siêu thị nhỏ ven đường đem lại cho bất cứ người Việt nào chứng kiến một cảm giác thèm muốn lạ lùng - bài viết của ông Phan Hồng Sơn, chuyên gia viễn thông, tập đoàn VNPT.

>> Nguyên Bộ trưởng kinh ngạc về Nhật sau chuyện cái ô ở công viên

Trong một lần quay lại Paris, tôi hẹn gặp một anh bạn học từ thời cấp 3, hiện đang sinh sống và làm việc cho một hãng công nghệ thông tin ở Pháp. 

Chiều hôm đó, sau khi hàn huyên tâm sự, anh bạn rủ tôi ra tàu điện ngầm để đi ăn. Tôi thắc mắc sẵn xe riêng đây sao không đi mà lại phải đi tàu điện ngầm, anh cho biết bên này nếu uống rượu lái xe không những bị phạt rất nặng mà có thể phải đi tù, lâu không gặp nhau chắc là cũng phải uống đôi chút.

{keywords}
Một quán ăn Việt ở Paris có tên Đàn bầu

Sau hơn một tiếng, chúng tôi dừng chân ở một quán ăn với dòng người dài đứng đợi đến lượt, may mà có đặt chỗ trước nên chúng tôi có một bàn với vị trí khá thuận lợi, quán rất đông và náo nhiệt giống như quán bia hơi ở ta vậy.

Sau khi gọi vài món truyền thống như thịt xiên nướng với khoai lang nước sốt, đùi vịt om confit với khoai tây…, anh bạn rủ tôi thử món bò sống. Chưa bao giờ ăn món này, nhìn thịt bò sống đỏ lòm xay nhuyễn rất sợ nên tôi bảo:

“Chịu, không dám thử, sợ tối chạy không kịp”.

Anh bạn thuyết phục:

“Ở bên này, ra quán ăn uống thoải mái, nếu tối về có vấn đề gì thì để nguyên hiện trạng, báo nhà chức trách đến lập biên bản sẽ được bồi thường cỡ 10.000 euro đấy, nhưng nhớ là phải để nguyên hiện trạng”.

{keywords}
Món thịt bò sống tại quán ăn ở Pháp

Tôi nói đùa: “Để được vạ thì má đã sưng, ông ạ”

Anh bạn nói: "Bên này rất rõ ràng, nếu chứng minh được đã ăn ở quán đó và bị như vậy thì đương nhiên quán phải bồi thường với mức rất cao, không thì sập tiệm"

Vẫn lối tư duy thông thường, tôi trả lời: "Làm sao chứng minh và khi bị như vậy đang gấp gáp làm sao báo được người có trách nhiệm".

Tại sao người Mỹ tốt với nhau phút khẩn cấp?

Tại sao người Mỹ đối xử với nhau tốt trong những tình huống khẩn cấp? Tôi xin chia sẻ một câu chuyện nhỏ mà tôi nhớ mãi.

Anh bạn cho biết: "Hầu hết khi mua bán một dịch vụ hoặc hàng hóa đều có hóa đơn ghi rõ chi tiết ngày giờ, loại dịch vụ, tiền nong đã thanh toán… và thói quen của người dân là giữ lại những giấy tờ đó. Đây chính là bằng chứng và trước khi đi cấp cứu cần báo cho người có trách nhiệm đến lập biên bản, điều đó thành bản năng và thói quen của người dân ở đây".

Hình ảnh một cậu bé ở Pháp ăn ngay quả táo vừa mua ở siêu thị nhỏ ven đường, đem lại cho bất cứ người dân Việt Nam nào được chứng kiến một cảm giác an toàn và thèm muốn đến lạ lùng.

Mức phạt, quy trình phạt và thời gian nhận được bồi thường trong câu chuyện trên chính xác là bao nhiêu thì tôi không biết. Nhưng việc ra quy định và thực hiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm một cách nghiêm túc thì ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đúng là tuyệt vời.

Bảo vệ người dân bằng cách phạt nặng quán ăn không đảm bảo vệ sinh thực phẩm với quy trình đơn giản sẽ dẫn đến ý thức của mỗi cá nhân cung cấp dịch vụ ăn uống phải luôn ý thức công tác vệ sinh. Đồng thời, người dân trực tiếp nhận được đền bù với thủ tục đơn giản sẽ có tác dụng khuyến khích tố giác và giám sát hai chiều.

Bản năng con người là phải có chế tài mới có ý thức, có ý thức mới có thói quen và có thói quen mới tạo ra văn hóa. Hy vọng những cán bộ, quan chức có trách nhiệm ở Việt Nam đi nhiều, hiểu rộng hãy học hỏi áp dụng để thằng cu Tý nhà tôi, bé Bống nhà bạn khi đói có thể ăn ngay một quả táo vừa mua trên đường đi học về chăng.

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về [email protected]. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải.

Phan Hồng Sơn