Hãng Reuters vừa dẫn lời bà Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7 - Hải quân Mỹ đóng ở Nhật Bản - cho biết: “Hoạt động này là để thách thức các yêu sách hàng hải phi lý và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer. Ảnh: US Navy |
Theo hãng CNN, bà Reann Mommsen nhấn mạnh, Mỹ sẽ bay, đưa tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép và hoạt động tự do hàng hải không liên quan đến bất cứ quốc gia nào và không liên quan đến các tuyên bố chính trị”.
Hôm 26/8, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước tình trạng Trung Quốc tái diễn các hành động vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuyên bố đề cập đến việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 gần đây đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
"Gần đây, Trung Quốc đã tái diễn hành động can thiệp mang tính cưỡng ép của nước này đối với các hoạt động dầu khí vốn diễn ra từ lâu của Việt Nam ở Biển Đông, trực tiếp đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc 'sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Lầu Năm Góc khẳng định, các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép, có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp tới các luật lệ và quy tắc quốc tế đã được thừa nhận. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Một lần nữa, chúng tôi đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982”, người phát ngôn nhấn mạnh.
Thái An
Hoạt động của tàu Trung Quốc đi ngược thỏa thuận giữa lãnh đạo 2 nước
Những hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và đi ngược lại những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.