Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Thành công chiến lược vắc xin "đi sau về trước"
Trong các kết quả nổi bật được Tổng Bí thư nhắc đến là việc ứng phó, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
“Đến thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vắc xin "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc |
Hiện chúng ta đang tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi với tỉ lệ bao phủ tiêm 1 mũi là 85,6%, tiêm 2 mũi là 57% và sẽ tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi vào đầu năm nay. Tổng Bí thư dẫn chứng, nếu đầu tháng 5/2021, nước ta mới có được vài trăm nghìn liều vắc xin, thì đến nay đã có khoảng 200 triệu liều vắc xin với tỉ lệ bao phủ 1 mũi 99,6%; tỉ lệ bao phủ 2 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9% (là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới).
"Phát biểu của Tổng Bí thư đã cổ vũ, động viên, chia sẻ, truyền cảm hứng, truyền năng lượng cho Chính phủ, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị. Đồng thời chứa đựng tình cảm sâu sắc và cả những băn khoăn, trăn trở, thể hiện sự mong đợi, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, là nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ to lớn và là những định hướng, gợi mở, chỉ đạo quan trọng, sát sao, toàn diện, xuyên suốt của Đảng ta. Tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư bằng những chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, hành động thiết thực, cụ thể... Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc, trên tinh thần đoàn kết, liêm chính, chủ động thích ứng, an toàn, hiệu quả, hồi phục kinh tế - xã hội một cách bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp thu phát biểu của Tổng Bí thư. |
Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, tạo đột phá về bao phủ vắc xin, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới.
Chính phủ cũng chủ động tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Ước cả năm đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm. GDP tăng 2,58%, trong đó quý 4 tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý 3.
Đáng chú ý là thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ, vượt 16,4% dự toán. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 có mức tăng trưởng cao, tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40% thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam…
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được tăng cường; đẩy mạnh kết nối liên thông nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến. Việc tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp THPT; khai giảng năm học mới, dạy và học trực tiếp, trực tuyến linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập…
Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ 10 điểm sáng trong năm 2021. Ngoài các điểm sáng trong kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế xã hội, GDP lấy lại đà tăng trưởng sau giảm sâu vào quý 3/2021,… Thủ tướng cũng ghi nhận “chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc”.
Người đứng đầu Chính phủ dẫn báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 trong khu vực châu Á về quy mô kinh tế internet.
Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020. Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực, đạt khoảng 4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020)..
Trong bài tham luận gửi đến hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm qua Việt Nam có sự thay đổi thứ hạng khá đáng kể về chuyển đổi số (CĐS) trong các bảng xếp hạng được công bố năm 2021 bởi Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức chính thống khác. Bưu chính xếp thứ 47/168, tăng 2 bậc. An toàn, an ninh mạng xếp thứ 25/194, tăng 25 bậc. Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia hấp dẫn nhất về dịch vụ công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia sớm triển khai 5G và thuộc trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu.
Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có sự trỗi dậy số thuộc nhóm đứng đầu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế Internet gần 30%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 30% lên 96%, cũng thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.
“Dịch trăm năm sẽ cho chúng ta những bài học trăm năm và những cơ hội trăm năm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đúc kết một trong những cơ hội trăm năm đó là chuyển đổi số (CĐS).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.
Đây cũng là năm đầu thực hiện các chiến lược mới, cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia, bao gồm: Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Dữ liệu, Chiến lược Bưu chính, Chiến lược An toàn thông tin mạng, Chiến lược Công nghiệp công nghệ số, Chiến lược Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số, Chiến lược Chuyển đổi số báo chí.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản chiến lược và kế hoạch CĐS năm 2022, trên cơ sở đó, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ phê duyệt kế hoạch CĐS năm 2022 của bộ, ngành, địa phương mình ngay trong tháng 1 năm 2022 để triển khai quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu năm.
“CĐS là một cơ hội. Nếu chúng ta đồng hành cùng nhân loại thì chúng ta đứng đâu sẽ vẫn đứng đó. Chỉ có đi trước và đi nhanh hơn thì chúng ta mới vượt lên trước, thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng TT&TT cho rằng, đi trước thì luôn cần sự dẫn dắt của Đảng, của Nhà nước. Tỉnh ủy có một nghị quyết chuyên đề về CĐS, UBND có một chương trình hành động về CĐS. Tiếp theo đó là một thể chế số, một hạ tầng số, một thị trường số, một nguồn nhân lực số, một sự đổi mới sáng tạo số. Những nền tảng ban đầu này sẽ quyết định sự thành công của CĐS Việt Nam, chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số thông minh, phồn vinh và hạnh phúc.
Nghị quyết 128 là cứu cánh thực hiện mục tiêu kép
Tại đầu cầu địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, trong bối cảnh phức tạp, trước những khó khăn, thử thách lớn chưa từng có tiền lệ, những kết quả đạt được rất đáng khích lệ và ngoài mong đợi.
Hầu hết chỉ tiêu chính đạt và vượt, tăng trưởng đạt 2,58%, đặc biệt trong quý IV tăng mạnh với 5,22%, thu hút đầu tư FDI tăng 9,2%…
“Tất cả những con số này nói lên sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài với khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam; cũng như nói lên niềm tin của nhân dân, sự nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, để tạo sự đột phá tăng trưởng sau quý 3/2021 bị giảm sâu”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải |
Về phía góc độ là người lãnh đạo ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, Chính phủ luôn đồng hành với địa phương, tập trung vào các địa phương khó khăn, quyết tâm không bỏ lại một địa phương nào ở phía sau trong đại dịch. Các địa phương cũng luôn có tinh thần tương thân, tương ái, luôn tương trợ các địa phương có diễn biến dịch phức tạp.
“Sự thành công trong thời gian qua do Chính phủ và các địa phương chủ động nhưng không chủ quan, nóng nhưng tuyệt đối không vội, nhanh nhưng tuyệt đối không ẩu”, bà Hải khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhìn nhận, biện pháp, chủ trương của Chính phủ ban hành rất quyết liệt, hợp lý. Trong đó, sự ra đời của Nghị quyết 128 có thể được coi là cứu cánh cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Đối với tỉnh Thái nguyên, năm 2021 đã đạt kết quả đáng khích lệ khi tăng trưởng 6,51%, lần đầu tiên tỉnh đạt mức thu ngân sách đạt 18.000 tỷ đồng (tăng 146%), đứng thứ 18 toàn quốc. Đặc biệt, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 143% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhắc lại thời điểm đỉnh dịch đầu tháng 10/2021, các tỉnh miền Tây đón nhận hàng vạn người dân về địa phương, đây là bối cảnh hết sức ngặt nghèo.
Nhưng khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” là một quyết định hết sức kịp thời để điều chỉnh, phù hợp diễn biến tình hình, giúp các địa phương và Cần Thơ ở các tháng cuối năm khôi phục sản xuất, kinh doanh.
“Nghị quyết 128 cùng với sự triển khai kịp thời của các địa phương đã đưa tốc độ tăng trưởng quý 4/2021 đạt 5,22%, tạo tiền đề quan trọng để các địa phương bước vào năm 2022 với niềm tin vững vàng cho những thành công hơn”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê nói.
Ông cũng thông tin thêm tình hình của Cần Thơ đến nay, số ca nhiễm giảm còn hơn 100 ca/ngày, số lượng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong đã giảm còn rất thấp. “Đây là tín hiệu đáng mừng và nhân dân Cần Thơ phấn khởi bước vào năm 2022 với tâm trạng phấn chấn”, ông chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cũng khẳng định Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch từ “zero Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là bước ngoặt quan trọng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ chủ trương này, chúng ta nhìn rất rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 4 tăng trưởng.
-Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương TẠI ĐÂY
-Toàn văn tham luận của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về chuyển đổi số năm 2022 TẠI ĐÂY
Gia Nguyên
Đại dịch cho chúng ta những bài học và cơ hội trăm năm để bứt phá vươn lên
VietNamNet trân trọng giới thiệu tham luận của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về chuyển đổi số năm 2022 tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2022 của Chính phủ với địa phương, diễn ra hôm 5/1/2022.