- Luật Tín ngưỡng tôn giáo phải làm sao xử lý được những lễ hội gây phản cảm, bức xúc như chém lợn, đâm trâu, theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh.

Dự thảo luật Tín ngưỡng tôn giáo được trình tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách hôm nay đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại VN.

Đồng thời, cũng quy định về nguyên tắc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng; theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường...

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu quan điểm: Luật cần quy định thêm các hành vi bị cấm là lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo dẫn đến kích động bạo lực, xâm hại độc vật tàn bạo, mê tín dị đoan, gây phản cảm, bức xúc.

"Những lễ hội như chém lợn, đâm trâu, chọi trâu..., phơi ra giữa sân đình khiến người dân trong và khách du lịch ngoài nước trông thấy, không hiểu người VN là như thế nào. Có thể đây là truyền thống đã hàng ngàn năm, nhưng giờ đã trở thành mông muội trong một thế giới đã văn minh, nhân văn hơn", bà Khánh nói.

{keywords}
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Minh Thăng

ĐB Hà Nội đồng thời đánh giá cao việc dự thảo luật quy định rõ hơn về trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan tổ chức lễ hội trong việc sử dụng nguồn thu từ tổ chức lễ hội đúng mục đích, công khai, minh bạch. Theo bà, đây là việc lâu nay người dân rất bức xúc.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì nêu bức xúc về việc đốt vàng mã quá nhiều, gây ô nhiễm, lãng phí, ảnh hưởng cả đến giao thông, xả rác tràn lan... không được quản lý. Ông Phương kiến nghị giải pháp đánh thuế cao mặt hàng vàng mã.

Không thử thách

So với dự thảo luật được trình tại kỳ họp cuối năm ngoái, quy định về điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo phải hoạt động ổn định trong 10 năm, sau nhiều ý kiến ĐB, tại dự thảo lần này đã giảm còn 5 năm.

Theo cơ quan thẩm tra, UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH, thời gian này là cần thiết, nhằm kiểm nghiệm thực tế hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi không đồng tình: Nếu các tổ chức này đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, các quy định này cần thì làm thật chặt chẽ, thì ta công nhận, không đủ thì thôi.

"Không nên đặt ra thời gian 5 hay 10 năm để 'theo dõi, thử thách', mà không dựa trên căn cứ nào", ông Lợi cũng cho rằng quản lý tín ngưỡng tôn giáo nên giao cho bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay vì bộ Nội vụ như hiện nay.

Nhiều ĐB đồng tình cải cách hành chính cho các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, bớt thủ tục xin phép, tăng bước thông báo.

{keywords}

ĐB Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Nguyễn Ngọc Phương cũng lưu ý về trình độ hiểu biết cả về tôn giáo lẫn các luật, pháp lệnh liên quan đến tôn giáo của chính các cán bộ làm quản lý tôn giáo.

"Nhiều linh mục, hòa thượng 2-3 bằng ĐH rồi họ mới vào tôn giáo, còn hiểu luật, pháp lệnh về tôn giáo hơn cả cán bộ, thì làm sao cán bộ ta quản lý được", ông Phương nói.

Nhiều ĐB ủng hộ việc quy định sự tham gia của tôn giáo vào các hoạt động giáo dục như mở trường, cũng như việc đảm bảo quyền thực hành tín ngưỡng tôn giáo cho những người đang thi hành án trong các nhà tù, trại giam, đặc biệt là những người chuẩn bị nhận án tử hình.

Chung Hoàng