- Dư luận đã quá ngán với câu chuyện "cả họ làm quan", mẹ quyết định bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ. 

>> Dân chủ hóa công tác cán bộ

LTS: Hưởng ứng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà", VietNamNet mở diễn đàn "Người tài, người nhà". 

Yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ. Bởi lẽ việc sử dụng nhân sự trong bộ máy nhà nước từ lâu đã trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Dư luận thì đã quá ngán với câu chuyện "cả họ làm quan", "mẹ quyết định bổ nhiệm con", "chồng quy hoạch vợ"...

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện cho bằng được yêu cầu đó? Có 2 vấn đề tách bạch nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau cần được giải quyết cấp bách:

Thứ nhất, phải nhanh chóng triệt tiêu hiện tượng "tìm người nhà". Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến người tài nản lòng, không muốn tham gia vào đội ngũ công bộc. 

{keywords}

Thi tuyển Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, tháng 6/2015. Ảnh: TTXVN

Hệ luỵ của tình trạng sử dụng "người nhà" là sự gia tăng tình trạng lợi ích nhóm, sự phân tầng giai cấp, tha hoá đội ngũ lãnh đạo và sự bất bình đẳng giữa các nhóm người trong xã hội. Trong một đất nước văn minh, mọi công dân phải được bình đẳng về cơ hội cống hiến cho tổ quốc và tham gia quản lý xã hội. Cho dù là con quan hay con dân thì cơ hội thăng tiến cũng phải ngang nhau.

Về công tác cán bộ, chúng ta có cả "rừng" quy định, cả "núi" quy trình tưởng chừng rất chặt chẽ nhưng lại dễ dàng bị không ít người có chức quyền biến thành cái "đũa thần" để nhấc "người nhà" dù không có tài cán hay cống hiến gì nổi bật lên những nấc thang danh vọng với tốc độ thăng tiến chóng mặt.

Khi dư luận xì xào bàn tán, đoàn nọ, đoàn kia vào cuộc thì cái kết luận mà ai cũng có thể biết trước là "đúng quy trình" hoặc cùng lắm cũng chỉ là..."nghiêm túc rút kinh nghiệm"! Câu chuyện một người trẻ được bổ nhiệm chức giám đốc sở khi chưa đủ tiêu chuẩn, hay chuyện mẹ bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ... khiến dư luận sôi sùng sục rốt cuộc cũng chỉ như "ném đá ao bèo".

Tình trạng "tìm người nhà" chỉ có thể được giảm thiểu khi việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý phải được thực hiện qua hình thức thi tuyển một cách công khai, minh bạch với những tiêu chuẩn, yêu cầu rõ ràng. Mặt khác, cần có những quy định chặt chẽ để những người có chức quyền không thể tác động hay can thiệp vào kết quả thi tuyển nhằm tạo thuận lợi cho "người nhà". Bất cứ ai cản trở hay vi phạm điều này đều phải bị nghiêm trị chứ không phải chỉ "rút kinh nghiệm" rồi "hoà cả làng"!

Hai là, Nhà nước cần thực tâm tạo mọi điều kiện để người tài "có đất dụng võ". 

Người thực tài không cần đến "thảm đỏ" hay những ưu đãi như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ. Điều mà họ cần là được làm việc trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi mà sự đánh giá, sử dụng con người đều dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch. Nơi mà cơ hội thăng tiến của mỗi người đều dựa trên năng lực, trình độ, đạo đức công vụ và khả năng cống hiến chứ không phải dựa trên mấy yếu tố "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ". 

Chỉ khi nào tạo ra được một môi trường làm việc như thế thì người tài mới có cơ hội và điều kiện để yên tâm làm việc, cống hiến cho đất nước.

Cần chuyển biên chế công chức sang hợp đồng công chức 

Tìm ra giải pháp để giải quyết 2 vấn đề này không dễ nhưng cũng không quá khó.

Trước hết, Nhà nước cần chuyển chế độ biên chế công chức sang chế độ hợp đồng công chức vừa để tránh tâm lý "chắc chân", vừa nhằm xoá bỏ ranh giới giữa công chức và những người làm việc trong khu vực tư nhân, qua đó mở rộng cơ hội tham gia quản lý xã hội cho mọi đối tượng có đủ năng lực, trình độ.

Mặt khác, việc tìm ra người tài phải được thực hiện bằng 3 cách: tranh cử (đối với những vị trí dân cử); thi tuyển và tiến cử chứ không phải bằng những quy trình tưởng chừng như rất chặt chẽ nhưng lại rất dễ bị biến tướng như hiện nay.  

Dù triển khai cách nào thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người. 

Nguyễn Trãi đã nêu rõ trong Bình Ngô đại cáo: "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có". Ngoài tài năng, hào kiệt phải là người có chí lớn, biết trăn trở với vận mệnh của dân tộc,.... Lịch sử đã chứng minh hào kiệt có thể xuất thân từ mọi tầng lớp nhân dân chứ đâu cứ phải là "con vua, cháu chúa"! 

Lịch sử cũng đã chứng minh vận mệnh của đất nước luôn gắn liền với vận mệnh của người tài. Khi người tài được trọng dụng thì vận nước thịnh, và ngược lại - khi người tài bị vùi dập thì vận nước suy. 

Đề án thi tuyển các chức danh lãnh đạo đã được khởi động từ lâu nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay vẫn chưa được ban hành thực hiện. Việc thi tuyển lãnh đạo mới chỉ dừng ở mức thí điểm ở một vài cơ quan, địa phương.

Hi vọng thông điệp của người đứng đầu Chính phủ sẽ biến thành hành động một cách nhanh chóng và quyết liệt. 

Mời bạn đọc gửi bài viết "hiến kế", những cách làm hay, những cơ chế mời gọi, đãi ngộ nhân tài về [email protected]. Những ý kiến phù hợp sẽ được đăng tải.

Thái Hưng