LTS: Không chỉ cần vắc xin phòng chống Covid-19, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ủng hộ, chia sẻ, tự giác, tích cực được lan tỏa rộng rãi, niềm tin xã hội được xây đắp trở thành “vắc xin tinh thần", góp phần trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.
Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vắc xin” bằng mọi biện pháp; thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Cùng với đó là Bộ Y tế kịp thời phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh đối với từng địa phương và công khai việc phân bổ.
TP.HCM đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho dân. Ảnh: Thanh Tùng |
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vắc xin, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm.
Bên cạnh đó, tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị Covid-19.
Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử lâm sàng cùng với các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhanh nhất, sớm nhất và với giá thấp nhất có thể.
Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bảo đảm công bằng trong chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị; tham khảo kinh nghiệm các nước và tham vấn chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cần thiết.
Lo vắc xin tiêm đủ cho nhân dân
GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, ĐBQH đoàn TP Hà Nội đánh giá, Nghị quyết 86 của Chính phủ mang tính tổng hợp cao, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề vắc xin mà ông rất quan tâm.
“Đảng và Nhà nước, Chính phủ đang rất lo và đang tìm mọi cách để có vắc xin tiêm đủ cho nhân dân. Nghị quyết đã chỉ ra rất nhiều cách để có nguồn vắc xin tiêm cho người dân, từ ngoại giao vắc xin, tìm quan hệ, mở rộng đối tượng tìm kiếm, sản xuất vắc xin trong nước đến chuyển giao công nghệ…”, ĐB Trí nói.
Theo ông Trí, Chính phủ đã xác định để giải quyết tình hình dịch bệnh mang tính căn cơ thì phải có vắc xin.
“Là người công tác trong ngành y, qua theo dõi, tôi thấy trong nhiều hoạt động, động thái của các cấp lãnh đạo để có được vắc xin phục vụ cho nhân dân”, ĐB TP Hà Nội chia sẻ.
Ông dẫn chứng, Chính phủ đã tìm mọi cách để mua vắc xin trên thế giới. Cùng với đó là phát triển vắc xin trong nước với việc nhận chuyển giao công nghệ từ nước khác và tự mình nghiên cứu sản xuất.
"Ngoại giao vắc xin” nằm trong hai điểm trên. Tất cả các lãnh đạo, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Ngoại giao trong bất cứ một diễn đàn đối ngoại nào đều đề cập đến vắc xin.
GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương |
“Tôi còn nhớ kỳ họp Quốc hội thứ 1 khóa XV vừa rồi, tôi gặp lãnh đạo Bộ Y tế và có nói chuyện về việc tập trung cao độ trong việc tiếp cận vắc xin. Bộ trưởng cũng nói với tôi rằng ngay hôm đó, Tổng Bí thư trong cuộc gặp với lãnh đạo nước ngoài cũng tập trung nói về việc mua vắc xin và chuyển giao công nghệ”, ông kể.
Theo GS Nguyễn Anh Trí, trong tình hình hiện nay khi thế giới đang bị thiếu vắc xin, nhưng Thủ tướng vẫn khẳng định tiền mua vắc xin là có, và miễn phí tiêm vắc xin là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Nhưng vấn đề là các nước sản xuất không kịp khi cầu quá lớn, cung không đáp ứng được.
“Mình đã rất nỗ lực, kết quả cho đến bây giờ công bằng mà nói thì ta đã có liên tục vắc xin về. Đến ngày 10/8 đã có hơn 19 triệu liều vắc xin, trong tháng 8 và tháng 9 sẽ tiếp tục về trên 12 triệu liều vắc xin từ các nguồn”, đại biểu ngành y cho hay.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cùng lời kêu gọi đoàn kết
Trong việc tự sản xuất vắc xin, ông Trí cũng khẳng định, Chính phủ và ngành y tế rất quyết liệt. Nhiều cuộc họp rồi, mới đây nhất là cuộc họp vào chiều 12/8, Thủ tướng quyết định là phải làm bằng mọi giá trong tháng 9 có vắc xin cho nhân dân.
“Như vậy sắp tới đây chúng ta sẽ có nguồn vắc xin sản xuất trong nước gánh được một phần rất lớn lượng vắc xin bị thiếu hụt. Cũng trong sản xuất vắc xin, theo tôi biết Bộ Y tế đã nhận được chuyển giao công nghệ của một số nước rồi”, ông Trí thông tin.
Đại biểu đánh giá cao việc Thủ tướng cho các doanh nghiệp, các tập đoàn có thể được tự tiếp cận, mua vắc sinh để tự tiêm cho cán bộ, nhân viên của họ. Trên thực tế các tập đoàn đã làm việc này và họ đều thông qua Bộ Y tế, Chính phủ.
“Dưới góc độ của một người làm chuyên môn, tôi cho rằng vắc xin là vấn đề căn cơ, điều này thì ai cũng thấy, ai cũng khẳng định, ai cũng biết. Đảng và Nhà nước đang rất nỗ lực”, đại biểu TP Hà Nội nhận định.
Ông bày tỏ có niềm tin, từ giờ đến cuối năm sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng như đã đề ra và có lời kêu gọi nhân dân: “Nếu chỗ nào mà có vắc xin thì nên tham gia tiêm chủng nghiêm túc và kịp thời”.
Đại dịch Covid-19, xét trên nhiều phương diện, là nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, trong gian khó, niềm tin của nhân dân, tình bạn bè quốc tế và sự vào cuộc bằng quyết tâm chính trị của chúng ta, vào bản chất chế độ ta lại một lần nữa tỏa sáng.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí bày tỏ niềm tin vào sức mạnh “Diên Hồng” của dân tộc ta từ sự nhất trí, đồng lòng của toàn thể các ĐBQH, tinh thần đoàn kết vô địch của nhân dân về một Việt Nam tất thắng trong việc kiểm soát, đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Và chỉ một ngày sau khi bế mạc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng chống đại dịch Covid-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Quốc hội cũng kêu gọi cả hệ thống chính trị và bhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng, chống và ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19, đặt tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trần Thường
Cơ chế đặc thù giúp địa phương chống dịch quyết liệt, tránh quyền anh, quyền tôi
Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra đời đã kịp thời giúp các địa phương có thêm điểm tựa vững chắc để quyết liệt “chiến đấu” với đại dịch Covid-9.