Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra.
Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nêu lên bài học kinh nghiệm "trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến việc khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách.
Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ; đồng thời phải bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động.
Giữa anh hùng và tội đồ chỉ cách nhau một sợi chỉ
Tham gia ý kiến vào "Diễn đàn khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám đổi mới vì lợi ích chung" của VietNamNet, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, bản thân công cuộc đổi mới, xây dựng Chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn mới mẻ, đầy khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh quốc tế biến đổi rất nhanh chóng, nhiều đột biến.
Cho nên người cán bộ, đặc biệt là cán bộ đứng đầu phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải quyết tâm đổi mới, có năng lực đổi mới.
GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương |
Theo GS Phùng Hữu Phú, trong bối cảnh hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ dẫn đến ranh giới giữa đột phá và sai lầm, giữa đúng và sai rất mong manh.
“Người ta nói giữa anh hùng và tội đồ chỉ cách nhau một sợi chỉ thôi”, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nói. Theo ông, cũng có tình trạng một số nơi do vấn đề nhạy cảm, trong quan hệ nên người tốt không được bảo vệ, dễ bị cô lập, thậm chí bị đưa ra ngoài.
Vì vậy, ông Phú cho rằng, phải kiên quyết bảo vệ và có cơ chế đủ mạnh để bảo vệ những người làm đúng, dám làm với động cơ trong sáng.
Ông Phùng Hữu Phú cho rằng việc khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển là một vấn đề rất quan trọng. Đó là một trong những điểm có ý nghĩa đột phá trong công tác cán bộ trong thời gian tới.
Có nhiều điều khó khẳng định được đúng, sai
Theo TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ, những năm gần đây, đất nước phát triển mọi mặt, mức độ tăng trưởng cao và khá ổn định ngay trong điều kiện thế giới đang lao đao vì Covid-19.
Điều đó cho thấy sự nỗ lực và tính hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự quản lý điều hành nhanh nhạy và quyết liệt của Chính phủ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây bắt đầu có dấu hiệu của sự trì trệ. Đặc biệt là thời điểm gần đến các kỳ Đại hội Đảng đã có tình trạng nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước lưu ý là có tình trạng đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm. Việc triển khai công việc một số nơi đó cũng có những dấu hiệu chững lại.
“Đấy là một hiện tượng có thật, đặc biệt là gần đến kỳ Đại hội Đảng chuẩn bị nhân sự, nhiều người rất ngại làm điều gì đó dù thấy là cần thiết nhưng chưa có quy định rõ ràng, có thể gây ra những ý kiến trái chiều, ảnh hưởng đến uy tín và quá trình được giới thiệu của cán bộ”, ông Minh phân tích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc .
|
"Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Chúng tôi đã nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu? Virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta”. |
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ cho rằng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy rõ điều này và cũng sớm có những ý kiến chỉ đạo. Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng đề án tạo cơ chế để khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích của đất nước, của Đảng, của Nhân dân.
Phân tích sâu về điều này, TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh, trong đội ngũ cán bộ đảng viên có rất nhiều người năng động, mạnh mẽ quyết liệt trong công việc, dám nghĩ, dám làm với mong muốn đóng góp cho Đảng, Nhà nước, phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên không phải không có những điều khiến họ băn khoăn, do dự trước những quyết định của mình.
“Qua thực tiễn công tác thì tôi thấy có một số nguyên nhân, trong đó có nguyên do cơ chế hiện nay có nhiều điều không rõ ràng khiến cho người thực hiện khó khẳng định được đúng, sai”, ông Minh nói.
TS Đinh Văn Minh chỉ thực tế thường xảy ra tình huống, nếu cán bộ thực hiện đúng luật thì không đáp ứng được thực tiễn do quy định còn khô cứng, chậm chạp so với thực tế sinh động và không ngừng thay đổi. Và ngược lại, nếu cán bộ thực hiện đúng quy định thì công việc trì trệ, chậm chạp, thậm chí không thể thực hiện được.
Chính điều này tạo ra tình trạng nhiều lãnh đạo, quản lý thấy có những vấn đề cần phải làm nhưng theo luật lại không phù hợp. Nếu làm đúng hoàn toàn với luật thì nhiều khi bị bó chân, bó tay, rất khó làm, thậm chí là không thể làm được.
Nếu họ làm mạnh mẽ đáp ứng thực tiễn và làm được việc lại dẫn làm sai quy định, quy trình, dễ bị coi là vi phạm nguyên tắc, thậm chí có nguy cơ đối diện với việc bị xử lý kỷ luật.
“Người ta hay nói là “không làm thì không sai, làm nhiều thì sai nhiều”, đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người không tự tin làm quyết liệt”, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Quy trình, thủ tục không phải là chìa khóa vạn năng
Ông Minh dẫn lại việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói về cung cách quản lý tài chính đối với hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay là cứng nhắc, mang nặng tính hành chính, chủ quan, thiếu thực tế và yêu cầu cần phải thay đổi “để các nhà khoa học không phải đi mua hóa đơn đỏ”. Điều đó cho thấy hiện nay nếu muốn làm được việc thì đôi khi phải làm điều nọ, điều kia không đúng.
“Nhiều khi ý tưởng thì tốt, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu giúp ích cho Đảng và Nhà nước, cho Nhân dân nhưng nhìn vào cơ chế, các quy định lại thấy biết bao sự rườm rà, chồng chéo, nặng nề và phức tạp, làm nản lòng những người tâm huyết”, TS Đinh Văn Minh nói.
Thể chế không phù hợp, vừa gò bó dẫn đến tình trạng "muốn làm nhanh cũng không được, muốn sáng tạo cũng không xong”. |
Ông Minh cho rằng, quy trình, trình tự, thủ tục thì tốt cho quản lý nhưng phải tạo điều kiện cho sự phát triển và hoạt động của người thực thi. Thể chế không phù hợp, vừa gò bó dẫn đến tình trạng "muốn làm nhanh cũng không được, muốn sáng tạo cũng không xong”.
“Một loạt vụ việc xảy ra gần đây cho thấy quy trình, thủ tục không phải là "chìa khóa vạn năng" để kiểm soát tốt công việc. Trình tự, thủ tục, quy trình là cần, là tốt nhưng phải phù hợp với thực tế và cũng đừng hy vọng quá nhiều vào nó”, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ lưu ý.
Thực tế có những việc cán bộ, công chức có thể làm rất tốt, trong thời gian rất ngắn nhưng họ lại không dám bỏ qua quy trình, thủ tục vì đó là quy định bắt buộc. Đấy cũng là một trong những cái khiến cho người ta chán nản, nhụt ý chí.
Thậm chí cũng có những người có suy nghĩ cho rằng việc đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ thời gian gần đây tạo tâm lý “sợ trách nhiệm, sợ bị xử lý, không dám làm”.
Vì vậy theo ông Minh, những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nếu không có sự đánh giá công bằng, sáng suốt có khi còn bị quy chụp, bị xử lý. Đấu tranh chống tham nhũng phải rất kiên quyết nhưng cũng cần rất thận trọng, công bằng và nhân văn, giống như khi có bệnh, cần phải dùng đúng thuốc, đúng liều phù hợp với thể trạng của người bệnh và hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Vậy cơ chế đó là gì? Trân trọng mời bạn đọc hiến kế cùng VietNamNet về địa chỉ Email: [email protected].
Hồng Nhì - Thành Huế - Thu Hằng - Trần Thường
Trăn trở của Tổng Bí thư về Ban chấp hành Trung ương khóa XIII
“Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.