Chiều 12/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn ĐBQH TP.HCM có buổi giám sát công tác phòng chống dịch, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách thành phố năm 2021.
Không để tình hình tồi tệ hơn
Nêu ý kiến tại buổi giám sát, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, mấy tháng qua, TP đã sống trong tình trạng hạn chế nghiêm ngặt, đến giờ các tín hiệu cho thấy lạc quan, TP đã mở cửa hoạt động.
ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi giám sát |
“Chúng ta không cho phép tình hình tệ hơn, phải giữ trạng thái như hiện nay và phấn đấu tốt hơn để tái thiết và phục hồi kinh tế”, ông Nghĩa nói.
Để làm được điều đó, ĐB Nghĩa cho rằng, cần thực hiện những vấn đề cụ thể sau:
Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo và ban hành chiến lược bình thường mới cho từng ngành, từng lĩnh vực mang tính chất vĩ mô. Việc phòng, chống dịch và tổ chức lại các hoạt động phải có tầm nhìn dài hạn. Không để tình trạng gỡ bỏ rồi áp dụng giãn cách lại nhiều lần. Làm như thế sẽ mất đi ưu thế môi trường ổn định, là điều kiện thu hút đầu tư.
Theo ông Nghĩa, chiến lược bình thường mới thì hoạt động của các bộ máy phải tính trong vài năm tới thế nào?
Hệ thống y tế khi bình thường mới sẽ hoạt động như thế nào? giáo dục; tổ chức sản xuất kinh doanh trong các khu vực, du lịch… trong vài năm tới ra sao?
Trên cơ sở các chiến lược, ông đề nghị quốc hội cần ban hành Nghị quyết, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện.
Cũng theo ông Nghĩa, qua đại dịch, TP.HCM cần tổng kết để rút ra các bài học cụ thể.
Bài học chủ trương, theo ông, Chính phủ chuyển từ "zero Covid" sang thích ứng an toàn với dịch là phù hợp.
Bài học về cấp cứu, hỗ trợ, phải nhanh, trực tiếp, phù hợp; bài học dựa vào xã hội, dựa vào công dân; bài học thu hút chuyên gia, sử dụng tư vấn và cuối cùng là bài học vắc xin.
'Anh hai Nam bộ' cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách
Tại hội nghị giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những đánh giá về công tác phòng, chống dịch và gợi mở vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch của thành phố.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với việc chuyển đổi chiến lược từ "zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế.
Chủ tịch nước: "Nếu TP.HCM tiếp tục đóng cửa hậu quả sẽ rất tồi tệ" |
Ông yêu cầu TP.HCM cần nhất quán quan điểm này để huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp cùng tham gia quá trình phục hồi kinh tế. Theo ông, thích ứng an toàn với Covid-19 thì điều kiện quan trọng nhất là vắc xin và biện pháp 5K.
Qua đó, Chủ tịch nước đề nghị TP cần xây dựng những biện pháp quản lý rủi ro, đánh giá, giám sát nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh trong chặng đường mới.
Người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh, sự phát triển bền vững của kinh tế thành phố về lâu dài phụ thuộc rất lớn vào công cuộc phục hồi và phát triển trước mắt. Nếu điều đó không thành công, hậu quả sẽ rất nặng nề.
"Nếu tiếp tục đóng cửa, TP sẽ không chịu nổi, hậu quả là kinh tế không chỉ tăng trưởng âm mà còn dẫn đến những điều tồi tệ hơn. Hậu quả ngắn hạn là phá sản hàng loạt doanh nghiệp, hàng triệu người mất việc làm, nghèo đói, suy dinh dưỡng, gia tăng bất bình đẳng, dẫn đến sang chấn tâm lý nặng nề do đại dịch...", Chủ tịch nước lưu ý.
Để có bước đi bền vững, Chủ tịch nước yêu cầu TP tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm để khôi phục kinh tế.
Trong đó, cần đảm bảo huyết mạch kinh tế, lưu thông hàng hóa, hoạt động tài chính, tín dụng, cung ứng, nguồn lao động được thông suốt.
Đối với các khó khăn của doanh nghiệp, cần sớm đối thoại, nắm bắt để triển khai nhanh, hiệu quả việc hỗ trợ vốn, thuế. Đẩy mạnh đầu tư công, tạo độ lan tỏa cao với những lĩnh vực trọng tâm.
Chủ tịch nước cho rằng, lao động là một trong những điểm mấu chốt của thành phố thời gian tới. Thành phố cần phối hợp với các tỉnh, thành trong việc đón người lao động trở lại, đào tạo, kết nối người lao động với doanh nghiệp.
Tiếp tục đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân trên địa bàn. Tập trung vào nhóm đối tượng bị tổn thương bởi dịch bệnh.
"Cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch trung hạn phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025, nhằm lấy lại đà tăng trưởng và tạo sức bật cho những năm sau", Chủ tịch nước cho rằng đây là vấn đề cấp bách.
Theo đó, TP cần tìm ra những động lực tăng trưởng mới nhằm tháo gỡ những vấn đề trước mắt. Cần tìm cách khắc phục những vướng mắc về thể chế đang cản trở việc phát triển kinh tế.
Chủ tịch nước cũng gợi ý, TP.HCM cần hướng tới mô hình kinh tế sáng tạo như là một hướng đi mới. Trong mô hình đó, cần khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh về tài nguyên đất đai.
"Kinh tế sáng tạo là mô hình nhiều nước trên thế giới đã và đang hướng đến. Thành phố cần xem kinh tế sáng tạo là một cực phát triển, nếu không sáng tạo trong hướng đi mới, vai trò đầu tàu kinh tế của TP sẽ bị suy giảm ", Chủ tịch nước lưu ý.
Cuối cùng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam cùng nghiên cứu về cơ chế phối hợp. Trong đó, tính liên kết vùng cần rõ ràng và tập trung vào các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...
Chủ động phối hợp với các địa phương trong việc phân bổ lao động, cung cấp việc làm đối với người lao động từ các tỉnh, thành khác.
"Với vai trò 'Anh hai Nam bộ', TP cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để cùng các địa phương trong vùng phân bổ sản xuất hợp lý, tránh việc tập trung lao động tại một địa bàn", Chủ tịch nước gợi ý.
Chủ tịch nước: 'Tôi tin trong 100 người về quê sẽ có 70 người trở lại TP'
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có thể trong dòng người rời TP.HCM về quê sẽ có người không trở lại. Nhưng ông tin, trong 100 người về thì có khoảng 60-70 người trở lại.
Hồ Văn