- Cơ quan thẩm tra dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng giá dịch vụ đào tạo.
Trình bày tờ trình dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (GDĐH) sáng nay, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 31/73 điều; giữ nguyên 42 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quang Vinh |
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, luật GDĐH năm 2012 còn một số bất cập như mức học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở GDĐH.
Bộ trưởng cho rằng, việc ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH là quan trọng và cấp thiết.
Theo đó, về quản lý tài chính, tài sản, luật sẽ sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở GDĐH sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với luật Giá, luật Phí và lệ phí.
“Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở GDĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ngoài ra, theo dự thảo luật, cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.
GDĐH được tự chủ quyết mức giá dịch vụ
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến thành viên UB cơ bản nhất trí với các quy định về việc đa dạng hóa các nguồn tài chính của cơ sở GDĐH; việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Phan Thanh Bình. Ảnh: Quang Vinh |
Về giá dịch vụ đào tạo, theo ông Bình, đa số ý kiến tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo luật.
Lý giải cho việc này, ông Phan Thanh Bình cho biết, việc sử dụng khái niệm “học phí” (cũng đã được quy định trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng tán thành với quy định cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.
“Điều 65. Giá dịch vụ đào tạo 1. Dịch vụ đào tạo gồm: dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác theo quy định của Pháp luật. Mức thu giá dịch vụ đào tạo được xác định theo quy định tại Điều 105 của luật Giáo dục. 2. Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính quy định khung giá và giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; khung giá, giá tối đa và giá cụ thể dịch vụ tuyển sinh. Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước: Cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.” |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải đề xuất SV sư phạm phải đóng học phí
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, số sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành còn nhiều, gây lãng phí rất lớn.
BOT từ thu phí thành thu giá: Vì phí thấp hơn giá?
Chuyên gia cho rằng, sau khi các trạm thu phí BOT bị người dân phản ứng, Bộ GTVT đã chuyển sang dùng từ “trạm thu giá” để tránh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải gọi phí BOT thành giá
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết theo nghị định của Chính phủ, xem BOT là 1 sản phẩm của DN nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước.
BOT: Vì sao trạm thu phí chuyển thành trạm thu giá?
Vì sao trước đây các trạm thu phí BOT thu phí BOT để hoàn vốn dự án nhưng từ 1/1/2017 lại xuất hiện thuật ngữ thành thu giá BOT?
Phó Thủ tướng: Sớm đổi tên trạm thu giá BOT
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu đặt tên gọi trạm BOT phải chuẩn xác, đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt.
Hương Quỳnh