- Khi hợp nhất một số cơ quan Đảng với chính quyền thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng phải tập trung và thống nhất, tạo nên sức mạnh, không có “quyền anh quyền tôi”, “quân anh quân tôi”.
XEM CLIP:
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho biết, tỉnh đã xây dựng xong Đề án Hợp nhất một số cơ quan Đảng với chính quyền và đang xin ý kiến TƯ.
Theo đó, trước mắt Quảng Ninh sẽ hợp nhất 2 cơ quan ở cấp huyện: UB Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ.
Không đẩy người ta ra đường
Vì sao tỉnh lại chọn 2 cơ quan này và thí điểm ở cấp huyện chứ không phải cấp tỉnh, thưa bà?
Hợp nhất ở cấp huyện trước vì cấp trên là tỉnh chủ động làm được. Còn nếu thực hiện ở cấp tỉnh thì cấp trên là TƯ, nếu TƯ còn băn khoăn thì tỉnh rất khó làm.
Hơn nữa, thực hiện ở cấp huyện, phạm vi ảnh hưởng không lớn, nếu có rủi ro gì thì mình còn khoanh vùng và điều chỉnh rút kinh nghiệm được ngay.
Khi ấy, cơ quan chỉ đạo cấp trên là tỉnh chính là nơi nghĩ ra đề án này thì việc tổ chức thực hiện hoàn toàn có thể tạo các điều kiện, cơ chế để vận hành. Khi thực hiện ở cấp huyện thì tác động trực tiếp luôn đến đối tượng cần tác động, không phải qua anh nào nữa.
Lúc đầu, chúng tôi chỉ chọn 6 huyện để hợp nhất Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ và 6 huyện hợp nhất cơ quan Thanh tra với cơ quan Kiểm tra nhưng cuối cùng các huyện "đòi" làm hợp nhất cả 4 tổ chức, vậy là cả 12 nơi đều thực hiện.
Riêng có 2 địa phương: Cô Tô và Tiên Yên đã nhất thể hóa chức danh người đứng đầu là bí thư kiêm chủ tịch UBND thì sẽ tính tới hợp nhất 3 văn phòng: văn phòng cấp ủy, văn phòng HĐND và văn phòng UBND.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng. Ảnh: Hiền Anh |
Trong quá trình chuẩn bị đề án, bà thấy các đơn vị thực hiện có tâm tư gì không?Sự ủng hộ của TƯ đối với đề án này như thế nào?
Trong Kết luận 37 của Nghị quyết TƯ 9 khóa 10 đã ghi rõ sẽ nghiên cứu các đề án thí điểm, trong đó có nhất thể hóa chức danh và tổ chức giữa cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với tổ chức chuyên môn của cùng cấp rồi.
Như vậy, vấn đề này đã đề cập từ khóa 10, đến bây giờ tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng xong đề án của cấp huyện, thảo luận và làm đề án tập thể chứ không phải là làm đề án cá nhân.
Khi xây dựng đề án, chúng tôi mời các bên về tỉnh. Nếu là cơ quan thanh tra, kiểm tra thì toàn bộ mảng đấy của cả tỉnh và huyện ngồi bàn với nhau, đưa ra những đặc tính chung, còn đặc trưng riêng của bên nào bên đấy sẽ bổ sung thêm.
Tất cả quan điểm, đường đi nước bước, cơ chế vận hành làm chung hết thì đã xong đề án Kiểm tra và Thanh tra, xong đề án Tổ chức và Nội vụ.
Riêng đề án văn phòng thì chỉ ảnh hưởng đến 2 đơn vị là 2 huyện Cô Tô và Tiên Yên, nơi đang thực hiện nhất thể hóa thì khá đơn giản. Bởi vì văn phòng với chức năng chính là giúp việc, giúp việc tổng hợp, giúp về quản lý cơ sở vật chất phục vụ cho nên khá gần nhau.
Thực ra khi xây dựng đề án, anh em rất hồ hởi. Hiện chỉ vướng chỗ nhân sự vẫn ngồi đấy, mình không thể đẩy người ta ra đường để làm ngay mà phải chờ 1 trong 2 người nghỉ hoặc chờ 1 chỗ nào đó trống để bố trí.
Xử lý quyền và lợi ích để không ai thiệt thòi
Tỉnh có gặp vướng mắc gì về mặt thể chế, pháp luật cũng như các nguyên tắc của Đảng?
Hiện tại Quảng Ninh không thấy vướng. Khi nào vai nào thì thực hiện theo các hệ thống văn bản quy định ở đấy chứ không bỏ tổ chức của anh đi. Chỉ là khi anh ở vai nào thì anh thực hiện cơ chế chính sách của vai đó. Còn khi anh thực hiện được cả 2 vai thì anh thực hiện được cả 2 quy trình mà người ta được làm.
Ví dụ bên Đảng cho quyền xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật thì anh làm cả việc đấy nhưng bên chính quyền mới cho quyền thu hồi vật chất chứ bên Đảng không có vai trò đấy. Nếu anh làm cả 2 vai thì anh vừa làm cả thu hồi và kiến nghị thu hồi; đề xuất xử lý và kiến nghị xử lý nhưng hồ sơ gói lại thanh tra kiểm tra thì chỉ có 1 bộ thôi.
Chỉ có điều chức trách nhiệm vụ theo vị trí chuyên môn là như thế, còn vị trí đảng viên là như thế này nên tôi không phải lặp lại quy trình đó nữa. Như vậy hoàn toàn không vướng về mặt Điều lệ Đảng hay quy định của luật pháp.
Hội nghị TƯ 6 đưa ra nhiều chủ trương, trong đó có một số nội dung liên quan đến những gì Quảng Ninh đã, đang và sẽ làm. Điều này có tác động đề án như thế nào?
Các chủ trương mà Nghị quyết TƯ 6 đưa ra tiếp tục khẳng định, thậm chí còn là cơ sở để tỉnh tiếp tục làm. Điển hình như việc hợp nhất một số cơ quan Đảng với chính quyền cũng cho thí điểm, cơ quan tham mưu giúp việc chung cũng cho thí điểm nhưng chỉ thực hiện “ở những nơi có điều kiện”. Nghĩa là mình có điều kiện rồi và chỉ bước tiếp thôi.
Tuy nhiên cái gì cũng đụng chạm đến quyền và lợi ích thì người lãnh đạo phải có trách nhiệm xử lý vấn đề quyền và lợi ích đó để mọi người không vì sự việc chung mà bị thiệt thòi ảnh hưởng, trừ khi người ta không hoàn thành nhiệm vụ.
Tinh gọn mà không mạnh lên thì không tinh làm gì
Mục tiêu mà tỉnh mong muốn đối với đề án là gì?
Tinh giản biên chế, cái đó ai cũng nghĩ đầu tiên nhưng mong muốn của tỉnh lại không chỉ mỗi việc đấy. Nếu tinh gọn mà không mạnh lên thì chẳng tinh làm gì cả.
Nhưng tinh mà mạnh lên, mà tập trung được, không phiền hà, không bị kéo các quy trình ra, không bị sinh ra các tổ chức trung gian, không bị lặp đi lặp lại các quy trình làm việc thì mới nên tinh.
Khi thực hiện đề án này, các cơ chế đầu tiên là phải thống nhất được chương trình để làm sao không giẫm chân lên nhau vẫn phải thực hiện đầy đủ các chức năng của các tổ chức.
Thứ 2, ngay cả người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, công tác lãnh đạo chỉ đạo cũng phải tập trung và thống nhất. Cái đấy mới tạo nên sức mạnh, không có “quyền anh quyền tôi”, “quân anh quân tôi”.
Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất một số sở
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ, trong đó có đề xuất hợp nhất một số sở.
Hợp nhất cơ quan đảng, chính quyền: Cẩn trọng khi xem xét
Đề án của Quảng Ninh mặc dù chỉ đề cập phạm vi một địa phương nhưng lại chỉ trúng vấn đề xuyên suốt cả hệ thống chính trị với một đảng duy nhất cầm quyền.
Nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch: Quan trọng nhất là con người
Nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch nếu chọn không đúng người, dễ sử dụng quyền lực chệch hướng, rất nguy hiểm.
Đề xuất nhất thể hóa bí thư, chủ tịch đặc khu kinh tế
Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đề nghị nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND Đặc khu kinh tế Phú Quốc.
'Chúng tôi mê mô hình nhất thể hóa của Quảng Ninh'
Nhiều thành viên trong đoàn giám sát của QH tỏ ra rất “mê” mô hình nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch Quảng Ninh đang thực hiện.
Thu Hằng