Sáng nay, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm trọng thể 70 năm xây dựng và phát triển (1949-2019). Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.

{keywords}
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm

Cùng dự buổi lễ có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng...

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.

Theo Tổng bí thư, qua 70 năm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị thế, vai trò là cái nôi đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc...

Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, đặc biệt là yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Học viện cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, phát huy những thành tựu đã đạt được.

{keywords}
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm

Tránh chạy theo số lượng

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý Học viện cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập và sớm có giải pháp khắc phục.

Theo Tổng bí thư, Học viện là trường Đảng có sứ mệnh ưu tiên hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho Đảng và toàn hệ thống chính trị thực sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, ngang tầm nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đồng thời, Học viện cần tập trung nghiên cứu, nắm vững chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm sáng tỏ những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cùng với đó, đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường cần quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học để đối phó, học cốt để lấy bằng cấp trong Đảng và xã hội.

Học viện cần xác định rõ đối tượng đào tạo, tránh chạy theo số lượng; đa dạng hóa các chương trình đào tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên khác nhau.

Ngoài ra, Học viện cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng thiết thực, vừa trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp làm việc, vừa gắn với việc xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn.

Ghi nhận việc tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các ủy viên TƯ Đảng; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp chiến lược..., Tổng bí thư nhấn mạnh đây là những công việc hết sức hệ trọng, cần tiếp tục làm thật tốt trong thời gian tới.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, các đồng chí cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng và rèn luyện tác phong chuẩn mực cho đội ngũ học viên...".

Học viện cần đầu tư nhiều công sức và nguồn lực hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học; đội ngũ các nhà khoa học của học viện cần chú trọng công tác tổng kết thực tiễn và khái quát, nâng lên tầm lý luận.

Phải đi đầu trong việc chống suy thoái

Theo Tổng bí thư, hiện nay, TƯ đang triển khai xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng với mong muốn tiếp thu được ý kiến, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, nhất là những nhà khoa học.

Với đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đông đảo, tài năng, rất tâm huyết và có trách nhiệm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước mong muốn học viện sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả cho việc chuẩn bị nội dung các văn kiện hết sức quan trọng này.

Tổng bí thư lưu ý, cần quan tâm xây dựng, phát triển toàn diện Học viện, đầu tiên vẫn là công tác cán bộ. Cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý tài năng, có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lý luận, có phương pháp sư phạm và am hiểu thực tiễn...

Đặc biệt, Học viện phải gương mẫu chăm lo công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ Học viện thật sự là một đảng bộ gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.

"Học viện phải đi đầu trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ...", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Mỗi học viên cần học tập nghiêm túc, với tinh thần say mê, trách nhiệm cao; thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành; tăng cường quá trình tự học, tự nghiên cứu; tích cực rèn luyện tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

"Mỗi đồng chí cần có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành kỷ cương học đường, thực hành tác phong, lối sống gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, gần dân để xứng đáng là học viên của Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", Tổng bí thư lưu ý.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

    • Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự lễ kỷ niệm

    • Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm

    • Tổng bí thư, Chủ tịch nước và các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Không phải vào TƯ để cho oai, kiếm chác

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Không phải vào TƯ để cho oai, kiếm chác

Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói: Không phải vào Trung ương để cho oai, hay là vào Trung ương để kiếm chác cái gì, mà vào Trung ương để hy sinh, phấn đấu, cống hiến, trưởng thành...

Theo TTXVN