Ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về đợt giảm giá điện đợt 4 cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chỉ sau đó chưa đầy một ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt, nhất là những nơi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Cũng trong ngày 1/8, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ.

Ngay sau đó, Bộ TT&TT đã khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, đề xuất phương án hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ngày 2/8/2021, với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ, các doanh nghiệp viễn thông đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng.

{keywords}
Thủ tướng thăm hỏi công việc sản xuất, chế độ ăn nghỉ của công nhân Công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam, Thuận Đạo, huyện Bến Lức, Long An. Ảnh: VOV

Trong Công điện về phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng mới đây, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

Trước đó, ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Một tuần sau Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 23 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ cũng như thủ tục, trình tự thực hiện. Đáng chú ý là thủ tục và thời gian để tiếp cận gói hỗ trợ lần này được đơn giản hòa và rút gọn rất nhiều.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, nhiều người dân mấy tháng nay không kinh doanh, buôn bán, công việc không có nhưng vẫn phải chi trả các khoản chi tiêu hàng ngày như điện, nước, cước viễn thông, thậm chí còn sử dụng nhiều hơn vì hầu hết mọi người đều ở nhà. Vì vậy khi nghe Chính phủ giảm tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, nhiều người dân rất mừng.

“Có thể số tiền được hỗ trợ không nhiều nhưng với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thì đó là sự động viên rất lớn. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” là vì thế”, ông Túc nhấn mạnh.

{keywords}
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Theo ông Túc, các chính sách an sinh xã hội mà Chính phủ ban hành thời gian gần đây cũng chính là nguyện vọng của người dân bấy lâu nay. Những chính sách này thể hiện rõ một “Chính phủ của dân, do dân và vì dân”. Qua đó cho thấy Chính phủ thật sự thông cảm sâu sắc và quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của nhân dân bị tác động từ dịch Covid-19.

“Những ngày qua, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử đồng bào đùm bọc lẫn nhau cho thấy những lúc khó khăn, tinh thần yêu nước, thương dân càng được phát huy. Người dân sẵn sàng chung tay đóng góp cùng nhà nước phòng chống chống dịch. Ngược lại nhà nước cũng không quên quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của người dân”, ông Túc phân tích.

Chính những hành động, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng và sự chia sẻ, đùm bọc của người dân cả nước trong những ngày qua khiến cho người dân ở những vùng dịch ấm lòng hơn.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý về tình trạng  lâu nay "trên mong muốn nhanh nhưng dưới thì triển khai chậm". Ông cho rằng, trong lúc gấp gáp này, trên mong muốn nhanh, dưới phải vào cuộc khẩn thì dân sẽ yên tâm. 

"Vừa rồi một loạt ban, bộ, ngành Trung ương đã tháo gỡ nhiều quy định, thủ tục là rất cần thiết để người dân nhanh chóng được tiếp cận các gói hỗ trợ của nhà nước được dễ dàng. Nhưng bên cạnh đó phải có cơ chế, chính sách động viên để làm sao phát huy được tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở. Có như vậy chính sách mới sớm đi vào cuộc sống", ông Túc nói.

Nhân văn, kịp thời

ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cũng nêu thực tế tại địa phương, nhiều người dân đang sống rất là cơ cực, khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Khó khăn đến mức người giàu cũng phải khóc huống chi người nghèo. Cho nên việc nhà nước ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân, nhất là người có thu nhập thấp là cực kỳ nhân văn”, ông Hòa nói.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp ghi nhận sự phản ứng kịp thời của Chính phủ khi đưa ra các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Cụ thể như năm 2020, Chính phủ có gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ, mới đây là gói 26 nghìn tỉ, rồi các chính sách giảm giãn thuế và sắp tới tiếp tục có những gói hỗ trợ khác. Đặc biệt mới đây, Chính phủ yêu cầu giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông…

{keywords}
ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp)

“Những chính sách này rất là nhân văn và kịp thời, phần nào đó an ủi người dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Tôi đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ khi đưa ra những chính sách này và rất cảm động trước tấm lòng của các nhà hảo tâm, đồng bào cả nước đã chia sẻ, hỗ trợ cho người dân trong lúc cực kỳ khó này”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Theo ông, dù các gói hỗ trợ này đến tay mỗi người dân số tiền được miễn giảm hay hỗ trợ không phải nhiều nhưng người dân rất phấn khởi.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng bày tỏ mong muốn, làm sao các chính sách này nhanh chóng đến tay người dân, nhất là các gói hỗ trợ bằng tiền mặt.

Còn việc giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông hầu hết thu tiền qua mạng, ATM thì việc triển khai sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.

“Chủ trương có rồi, địa phương và các cơ quan cần làm nhanh gọn để người dân được thụ hưởng. Bên cạnh đó cũng cần có kiểm tra, giám sát, tránh tiêu cực, trục lợi trong quá trình triển khai”, đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý.

Thu Hằng

Những ngày giãn cách, nhiều tỉnh không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

Những ngày giãn cách, nhiều tỉnh không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, nhiều tỉnh, TP đã có chính sách hỗ trợ kịp thời người về và ở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.