Tại hội nghị Chính phủ với DN sáng nay, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lưu ý, phía trước vẫn còn tiềm ẩn, nhiều nguy cơ và thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để lại.

“Thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải làm gì, hành động gì để biến nguy thành cơ. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và thường tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất", Bộ trưởng KH&ĐT nói.

{keywords}
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng 

Theo ông, uy tín và vị thế của Việt Nam qua việc phòng chống đại dịch Covid-19 đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây là lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn.

“Ngay lúc này, cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ vàng, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ KH&ĐT gợi mở 6 định hướng, đề xuất gửi Chính phủ, bộ ngành và DN bàn luận vượt qua khó khăn. Trong đó, cần ưu tiên phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần có chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp DN giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; cải cách thủ tục hành chính…

Ông Dũng đề nghị Chính phủ “kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu”.

Về phía cộng đồng DN, tư lệnh ngành KH&ĐT lưu ý, cần có những suy nghĩ trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Sớm trao ‘áo giám sắt’ cho cán bộ dám đổi mới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, điều mong muốn của cộng đồng DN là đề nghị Chính phủ, QH xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay...

Nhưng điều quan trọng nhất là thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không có tác dụng”, ông Lộc nhấn mạnh.

{keywords}
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Dẫn lại câu nói "Tiền là bạc, thời gian mới là vàng”, ông Lộc cho biết, khi hỏi DN cần gì, nhiều doanh nhân lớn họ đã thẳng thắn và chân tình nói: "Biết Nhà nước khó khăn, DN không xin tiền, chỉ xin cơ chế". Chính sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN.

Ông nêu thực tế, chỉ riêng khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số “tiền tươi, thóc thật” đang nằm ở “trong túi” của các bộ ngành và địa phương đã là trên 30 tỷ đô la Mỹ. Nếu tháo gỡ được thủ tục, giải ngân nhanh được trong năm có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho nền kinh tế.

“Thúc đẩy đầu tư công, để nguồn vốn này cộng hưởng với đầu tư tư nhân, đầu tư FDI , nếu làm được thì không có lí gì không đạt được GDP tăng trưởng trên 5% như chỉ đạo của Thủ tướng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông cũng vui mừng khi biết Bộ Chính trị chuẩn bị ban hành quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

“Chúng tôi mong Đảng sẽ sớm ban hành chủ trương này để trao tấm áo 'giáp sắt' an toàn cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu dám dũng cảm, dấn thân, dám đổi mới, sáng tạo, đột phá vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI đề nghị thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác trên mặt trận phục hồi nền kinh tế do Thủ tướng nhận vai trò Tổng tư lệnh - Trưởng ban. Đồng thời, thành lập ngay ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND đứng đầu để nối dài cánh tay giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Nói tiếng Việt rành mạch, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) dẫn chứng câu thành ngữ "sau cơn mưa trời lại sáng" để bày tỏ tinh thần lạc quan với công tác chống dịch.

Nhắc đến sự tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc khi có những biện pháp quyết liệt khống chế được dịch, ông Hong Sun cho hay, các DN Hàn Quốc sẽ tiếp tục đến đầu tư tại Việt Nam.

Ông kiến nghị Việt Nam sớm nối lại đường bay với các nước đã khống chế được dịch như Hàn Quốc để thúc đẩy việc giao thương...

Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam và Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng bày tỏ sự khâm phục đối với Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp hiệu quả chống dịch, cũng như thành tích đáng nể về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn.

Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Covid-19 là đại dịch nhưng là cơ hội phát triển của Việt Nam nếu biết tổ chức Nhà nước tốt, nếu biết kinh doanh tốt và hợp tác tốt”.

Khẳng định DN giữ vị trí chủ chốt trên mặt trận kinh tế, người đứng đầu Chính phủ lưu ý DN không được trông chờ, ỷ lại mà phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ, áp dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khó khăn 2, chúng ta phải cố gắng 3 để vượt qua khó khăn

Thủ tướng hứa, Chính phủ và các bộ ngành lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, đề xuất, hiến kế hôm nay để có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho DN phát triển.

Trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục: “Quan tâm xử lý kiến nghị của DN nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm chậm, làm mất thời cơ kinh doanh của DN”.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh thành, các bộ trưởng phải có trách nhiệm xử lý nhanh kiến nghị tháo gỡ cho DN, tạo môi trường tốt cả chính sách tiền tệ, tài khoá, giảm lãi suất, chi phí. 

Đặc biệt, các DN đều mong muốn cần giữ vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị tiền đồng. Bên cạnh đó, không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự; nâng cao đạo đức công vụ; tạo mọi thuận lợi phát triển nhanh dịch vụ logistics, hạ tầng; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực…

Thủ tướng cũng đề nghị DN giữ lao động, giữ thị trường và phát triển thị trường, giữ danh dự, bản lĩnh và doanh nhân Việt Nam, đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển.

“'Lửa thử vàng, gian nan thử sức', khó khăn 2 chúng ta phải cố gắng 3 để vượt qua khó khăn, nhất là Covid-19 vẫn còn lưu lại đâu đó ở các nước xung quanh. Vì vậy, chúng ta cùng đoàn kết, quyết tâm, lập thành tích hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiết kiệm 6.490 tỉ đồng mỗi năm từ dịch vụ công trực tuyến 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa hàng ngàn điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, tổng số tiền tiết kiệm được khi triển khai dịch vụ công trực tuyến là 6.490 tỉ đồng/năm.

Các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Thu Hằng

Bộ ngành 'xắn tay áo', địa phương đổi mới để ngọn lửa tăng trưởng bùng lên

Bộ ngành 'xắn tay áo', địa phương đổi mới để ngọn lửa tăng trưởng bùng lên

Thủ tướng sáng nay chủ trì hội nghị với DN “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức trực tuyến (93 điểm cầu gồm 63 địa phương, 30 bộ ngành) và trực tiếp qua VTV.