Cách đây 46 năm, từ ngày 9 đến 20/4/1975, Quân đoàn 4 (đứng chân trên chiến trường miền Đông Nam Bộ) phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương anh dũng chiến đấu, đập tan hệ thống phòng thủ vững chắc của địch tại Xuân Lộc (thuộc tỉnh Long Khánh cũ, nay là một phần tỉnh Đồng Nai), tạo điều kiện thuận lợi cho đại quân ta tiến công giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đến cuối tháng 3/1975, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến mau lẹ, phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm” theo hướng có lợi cho cách mạng. Sau gần một tháng liên tục tiến công, nổi dậy mạnh mẽ, quân và dân ta đã tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ lực lượng của hai trên tổng số bốn quân khu - quân đoàn địch; chiếm giữ một khối lượng lớn vật chất, phương tiện chiến tranh; giải phóng hơn nửa đất đai và gần nửa số dân toàn miền Nam. Lực lượng vũ trang cách mạng trưởng thành nhanh chóng. Về phía địch, do chịu thất bại nặng nề, chế độ Sài Gòn lâm vào tình thế khủng hoảng, khó khăn nghiêm trọng. Chúng buộc phải lùi về phòng thủ từ Thị xã Phan Rang (Ninh Thuận) trở vào Nam, đồng thời kêu gọi Mỹ viện trợ khẩn cấp.
Nắm bắt thời cơ chiến lược hết sức thuận lợi, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn (ngày 31/3/1975), hạ quyết tâm: Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn bộ miền Nam ngay trong tháng 4/1975.
Để bảo đảm cho trận quyết chiến cuối cùng giành thắng lợi, Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt:
1. Tiếp tục đẩy mạnh tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường nhằm tạo thế, tạo lực cho ta, đẩy địch lún sâu hơn vào tình thế bị động, khủng hoảng;
2. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, dồn sức đưa các quân đoàn chủ lực cơ động nhanh chóng hình thành thế trận bao vây Sài Gòn, sẵn sàng chờ lệnh.
Chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định giao cho Quân đoàn 4 phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch tiến công giải phóng Thị xã Xuân Lộc (tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh cũ, nay là thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) nằm cách Sài Gòn 80km về phía đông. Đây là địa bàn án ngữ các trục giao thông quan trọng hướng thẳng về Sài Gòn như quốc lộ 1, quốc lộ 20 (nối Sài Gòn với Đà Lạt), quốc lộ 15 (nối Sài Gòn với Bà Rịa - Vũng Tàu). Do đó, trong kế hoạch phòng thủ Sài Gòn - Gia Định của địch, Xuân Lộc là “mắt xích trọng yếu”. Chúng bố trí ở đây một lực lượng mạnh gồm: Sư đoàn bộ binh 18 còn nguyên vẹn, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn thiết giáp, chín tiểu đoàn bảo an, phòng ngự trong công sự kiên cố.
Khi bị tiến công, địch nhanh chóng tăng viện nhiều trung đoàn, lữ đoàn (dù, bộ binh, tăng - thiết giáp), toàn bộ hỏa lực pháo binh của Quân đoàn 3 và không quân từ hai sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất. Bên trong thị xã, bộ máy kìm kẹp của địch hầu như còn nguyên vẹn với tổng cộng khoảng 1.500 tên. Chính quyền Sài Gòn mệnh danh Xuân Lộc là “cánh cửa thép” và lớn tiếng tuyên bố sẽ “tử thủ” bằng mọi giá. Báo chí nhiều nước phương Tây lúc bấy giờ bình luận “Xuân Lộc là ốc xoáy cuối cùng” quyết định số phận của chế độ Sài Gòn.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, sáng ngày 9/4, quân ta nổ súng tiến công mở màn chiến dịch.
Từ ngày 9 đến 14/4, ta tập trung lực lượng, sử dụng bộ binh, xe tăng, pháo binh tổ chức tiến công trực diện nhiều lần vào thị xã nhưng không dứt điểm được mục tiêu. Trong thế đường cùng, địch chống trả mạnh mẽ, tình hình chiến sự diễn ra vô cùng quyết liệt. Trước áp lực tiến công của quân ta, địch tăng cường viện binh, đưa tổng số lực lượng phòng thủ Xuân Lộc tương đương một quân đoàn (hơn 30.000 quân). Ngoài ra, lực lượng không quân địch hoạt động mạnh, sử dụng nhiều loại bom có sức hủy diệt lớn đánh vào đội hình tiến công, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất.
Từ ngày 15 đến 20/4, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức lại lực lượng và thay đổi cách đánh. Ta ko tiến công trực diện vào Thị xã (nơi tập trung đông quân địch, phòng ngự kiên cố), mà chuyển sang tiêu diệt các đơn vị địch đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài; đồng thời chiếm giữ ngã ba Dầu Giây, chặn cắt quốc lộ 1 và các tuyến giao thông hướng về Xuân Lộc. Lực lượng pháo binh, đặc công Miền liên tục bắn phá vào sân bay Biên Hòa, hạn chế hoạt động của không quân địch.
Thị xã Xuân Lộc hoàn toàn bị bao vây, cô lập. Đến ngày 20/4, lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 ta (cánh quân duyên hải), sau khi đập tan “lá chắn thép” của địch ở Phan Rang (16/4), đã tiến đến khu vực Rừng Lá (cách Xuân Lộc gần 20km), sẵn sàng phối hợp cùng Quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy (đêm 20/4). Ngày 21/4, ta hoàn toàn giải phóng Thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh. Trong chiến dịch này, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18 và nhiều lữ đoàn, trung đoàn quân Sài Gòn; loại khỏi vòng chiến đấu gần 5.000 tên địch, thu giữ và phá hủy 1.500 súng các loại cùng nhiều phương tiện vật chất khác.
Đặt trong bối cảnh giai đoạn cuối của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh có ý nghĩa rất lớn. Nó giáng đòn quyết định làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân địch; đập tan mọi hy vọng, mọi cố gắng nhằm cứu vãn chế độ Sài Gòn của Mỹ. Đồng thời, mở đường cho cánh quân hướng Đông và Đông Nam của ta (do Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 làm lực lượng nòng cốt) tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26 - 30/4/1975) giải phóng Sài Gòn - Gia Định và hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chiến dịch Xuân Lộc cũng để lại cho cách mạng những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; đánh giá đúng bản chất, âm mưu và hành động của địch, nhất là tại thời điểm bản lề mang tính quyết định đến vận mệnh, an nguy tồn vong của chúng; chuẩn bị chu đáo, toàn diện các mặt, lựa chọn cách đánh phù hợp nhằm phát huy tối đa sức mạnh của ta, đồng thời hạn chế ưu thế của địch; theo dõi, bám sát diễn biến chiến trường, kịp thời có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn các tình huống phát sinh, bảo đảm giành thắng lợi.
Hơn 45 năm đã trôi qua, song chiến thắng đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 sẽ còn được ghi nhớ mãi. Nó góp phần tô thắm truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta vì khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Chủ tịch Quốc hội: Phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử
Hôm nay (14/4), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ninh.
Theo VOV