Đó là chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khi nói về hàng loạt giải pháp cấp bách và các cơ chế đặc thù được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 86.
Theo bà Nghị quyết 86 có ý nghĩa như thế nào trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay?
Việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến có xu hướng ngày càng phức tạp, khó lường, đã lây lan ra rất nhiều tỉnh, thành, nhất là tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam.
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải động viên cán bộ y, bác sĩ trước khi lên đường vào miền Nam hỗ trợ chống dịch vào ngày 11/8 |
Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp cấp bách, cơ chế đặc thù, giúp cho các địa phương trong triển khai, thực hiện phòng chống dịch được thuận lợi, thống nhất và hiệu quả nhất. Từ đó tránh được tình trạng “mỗi nơi làm mỗi kiểu”,”quyền anh, quyền tôi”, gây ách tắc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống cũng như nhu cầu thiết yếu của người dân.
Vừa qua tỉnh Thái Nguyên đã nghiên cứu phương án hỗ trợ để bảo đảm địa phương, doanh nghiệp cùng thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Trong đó tỉnh đã phân bổ một phần vắc xin phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động của một số nhà máy trong các khu công nghiệp, trong đó có nhà máy của Samsung. |
Đặc biệt, đối với Thái Nguyên, là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn thì giải pháp về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa được nêu trong Nghị quyết đã hỗ trợ giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và quan trọng nhất là tạo sự yên tâm, tin tưởng rất nhiều cho doanh nghiệp.
Trao quyền mạnh mẽ cho địa phương
Là lãnh đạo địa phương, bà thấy Nghị quyết 86 đã đưa ra những cơ chế mở, vượt trội nào so với trước đây, giúp cho địa phương tháo gỡ được những vướng mắc để phòng chống dịch quyết liệt, hiệu quả hơn?
Thông qua tiếp xúc cử tri và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, tôi thấy hiện nay vấn đề vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 là vấn đề mà người dân và các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.
Nghị quyết đã kịp thời đưa ra hàng loạt cơ chế mở, thông thoáng về nội dung này, sẽ giúp cho việc nhập vắc xin cũng như sản xuất vắc xin thuận tiện, nhanh chóng hơn nhiều. Từ đó, chúng ta sẽ tiếp cận được nhiều nguồn vắc xin, nhanh chóng tăng số lượng người dân được tiêm, sớm tạo được miễn dịch cộng đồng.
Ngoài ra, cơ chế mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư để phòng chống dịch như Nghị quyết đưa ra cũng đã tháo gỡ được nhiều nút thắt bấy lâu nay. Thời gian qua, việc mua sắm trang thiết y tế bị gặp nhiều khó khăn, thủ tục nhiều khâu còn rườm rà, hình thức. Chính vì thế khiến cho việc mua sắm trang thiết bị thường kéo dài về thời gian, khó đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời trong lúc dịch bệnh và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Với cơ chế như Nghị quyết đưa ra đã trao quyền mạnh mẽ hơn cho các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương trong việc mua sắm các trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch đảm bảo mục tiêu “sức khỏe của người dân là trên hết, là trước hết”.
TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Thanh Tùng |
Đặc biệt, với quy định về việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu, nay Nghị quyết đã giao cho “Chủ tịch UBND cấp tỉnh được tổ chức lập, thẩm định và quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu”.
Đây là một cơ chế khá mạnh mẽ giúp tháo gỡ nhiều nút thắt lâu nay gặp phải, nhưng bên cạnh đó các quy định cụ thể về hậu kiểm, về kiểm tra giám sát cũng sẽ đảm bảo không để xảy ra việc trục lợi chính sách gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thực chất, kịp thời kiểm soát được dịch bệnh, theo bà các bộ ngành, địa phương cần phải hành động như thế nào?
Theo tôi, Nghị quyết đã đưa ra rất rõ về giải pháp, các cơ chế đặc thù khá chi tiết và cụ thể, việc còn lại là triển khai thực hiện. Vì vậy rất cần sự triển khai nhanh chóng, kịp thời của các bộ ngành, địa phương đúng theo tinh thần "cấp bách", trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở từng địa phương, từng địa bàn có diễn biến rất khác nhau, vì vậy vấn đề quan trọng là phải đánh giá đúng tình hình để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thật phù hợp, hiệu quả, đúng lúc, đúng nơi.
Từ đó, tránh tình trạng áp dụng quá máy móc, cực đoan dẫn đến tình trạng ách tắc lưu thông hàng hòa, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh cũng như đời sống, sức khỏe của người dân.
Tôi tin tưởng, với những giải pháp cấp bách và các cơ chế đặc thù Chính phủ đưa ra cùng sự vào cuộc của cả nước, các địa phương, nhất là TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, ổn định lại đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình cấp bách, Chủ tịch Quốc hội đã giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan thảo luận về các nội dung trình của Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi Chính phủ có tờ trình vào trưa 6/8, 16h30 chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này và 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành.
Ngay trong đêm 6/8, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, đề nghị Chính phủ lưu ý các nội dung về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng Covid-19, tài sản mua sắm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và tổ chức thực hiện.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý khắc phục việc thực hiện thiếu thống nhất, thiếu quyết liệt ở một số địa phương thời gian qua. Đồng thời phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội.
Ngày 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 85 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV.
Thu Hằng
Các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Nghị quyết 86 về về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM có dấu hiệu tích cực, ca mắc “đi ngang”
Tình hình dịch tại TP.HCM bước đầu có những dấu hiệu tích cực. Số mắc có xu hướng “đi ngang” sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16.