Chiều 8/12, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chủ trì Hội nghị trực tuyến với Đồng Nai, An Giang và Cần Thơ về việc tổng kết Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26).
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng |
Thành quả vẫn mong manh
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho rằng, để tam nông phát triển bền vững nhà nước cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, có chính sách kêu gọi, thu hút BOT, tư nhân, các thành phần kinh tế khác vào nông nghiệp, nông thôn và đầu tư hơn nữa cho vấn đề xử lý môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư kiến nghị nhà nước cần có các dự án, chương trình hỗ trợ cho nông dân thuộc vùng quy hoạch giữ đất lúa để đảm bảo sản xuất có lợi, nâng cao thu nhập; cùng với đó là miễn thuế GTGT 5% đối với mặt hàng gạo tiêu thụ nội địa.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào lĩnh vực này như: Xóa bỏ quy định về mức hạn điền, có chính sách ưu đãi hơn trong giao đất, cho thuê đất, thuế, tín dụng. Bởi, chính sách hạn điền hiện là trở ngại lớn nhất cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất.
“An Giang đang thí điểm Nhà nước là trung gian để gắn những nông dân có đất nhỏ lẻ, sản xuất không hiệu quả cho doanh nghiệp thuê dài hạn. Đây là mô hình hiệu quả nhưng chưa có các quy định để triển khai và xử lý các tranh chấp nếu có phát sinh”, ông Thư nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị, cùng với chính sách đầu tư thỏa đáng cần tập trung kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với quy mô lớn gắn với chế biến sản phẩm chủ lực, ngành hàng có chất lượng...
Hội nghị trực tuyến đến 4 điểm cầu |
Ông kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, hoàn thiện chính sách về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc tập trung, tích tụ đất đai, đáp ứng những vấn đề mới phát triển của quá trình đô thị hóa...
Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Tú Anh cho rằng, kết quả từ chính sách đối với tam nông trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận nhưng “thành quả vẫn mong manh”. Ông Tú Anh nêu thực tế vừa qua do tác động của dịch Covid-19 khiến cho người nông dân dễ bị tổn thương lại càng tổn thương hơn.
Ông Tú Anh đưa ra dẫn chứng, tỉ lệ người lao động mất việc làm lên tới hơn 3 triệu người, một bộ phận không nhỏ trong số này đã phải quay trở về quê nhưng khu vực nông thôn chỉ có khả năng hấp thụ tăng thêm chưa đến 500.000 việc làm.
"Dòng lao động lại di cư ngược, tạo ra sức ép lớn trong đời sống người nông dân ở quê nhà. Rõ ràng việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế, đảm bảo ly nông bất ly hương là vấn đề lớn", ông Tú Anh lưu ý.
Biện pháp phải là chuyển đổi số
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng, cơ chế thu ngân sách hiện nay tạo áp lực lớn cho các tỉnh nên để phát triển thuần nông rất khó khăn, nhiều địa phương phải triển khai dự án công nghiệp, đô thị để tăng thu.
"Chính sách làm sao hài hòa lợi ích người dân và lợi ích chung, trong đó có thu ngân sách. Vì vậy, tới đây chính sách cho nông nghiệp nông thôn, tiếp cận tín dụng thế nào, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân", ông Hưng nói.
Phó Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “địa bàn” chiến lược của Đảng, Nhà nước trong 13 năm qua và tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và bước đi, biện pháp cụ thể phải là chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất lớn, chế biến sâu…
Cùng với đó, mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải tiếp tục nâng tầm, hiện đại hóa cho phù hợp với thực tế đời sống và đón đầu xu hướng tương lai. Đặc biệt phải thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, với việc xây dựng và tiếp cận dữ liệu trong lĩnh vực này từ cây trồng vật nuôi đến thị trường, giá cả, chất lượng…
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, vừa qua các địa phương đã quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sinh kế. Qua số liệu báo cáo 3 tỉnh thì Đồng Nai lại có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất do làm tốt quy hoạch tổng thể. Không chỉ 3 tỉnh thành mà các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng ly hương.
“Phải làm cách nào tạo sinh kế cho người dân tại quê nhà. Đây là bài toán tổng thể từ đào tạo nhân lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp. Trên bàn ăn của người dân thì chỉ có 20% là giá trị nông sản của bà con nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, còn 70-80% là ở các lĩnh vực khác. Cho thấy lợi ích kinh tế chưa thật sự hấp dẫn bà con”, ông Nguyễn Duy Hưng phân tích.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng kiến nghị đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân 5 năm sau phải gấp 5 năm trước. Cùng với đó, chính sách thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa thật sự hấp dẫn từ đào tạo, thuế, cho thuê đất đến nguồn vốn tín dụng…
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cam kết nâng nguồn tín dụng cho lĩnh vực này nhưng thủ tục vay vốn còn vấn đề, chủ trương thì có nhưng triển khai thực hiện thì vướng.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết, Hội nghị Trung ương vào tháng 5/2022 sẽ cho ý kiến báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 và dự thảo nghị quyết mới thay thế nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Thu Hằng
Đẩy mạnh chuyển đổi số để chăm lo an sinh xã hội tốt hơn cho người dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian qua và các định hướng lớn trong thời gian tới.