{keywords}
{keywords}
{keywords}

 

Bà có thể chia sẻ “bí kíp” nào Thái Nguyên gặt hái được những thành quả này?

Nói là bí kíp thì nghe to tát nhưng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc, tập thể lãnh đạo chúng tôi có rút ra được một số bài học kinh nghiệm khá quý báu.

Đầu tiên phải kể đến đó là tỉnh Thái Nguyên luôn bám sát đường lối của Đảng, phương châm hành động của Chính phủ, Thủ tướng, đó là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng làm rõ trách nhiệm, phân cấp mạnh, sâu sát tới từng cấp cơ sở.

Chúng tôi luôn đề cao vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thực hiện cơ chế bảo vệ cán bộ theo kết luận số 14 của Bộ chính trị. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống, kỷ luật công vụ.

{keywords}

Vì vậy trong năm qua một điều không thể thiếu đó là chúng tôi luôn tập trung để giải quyết nhanh chóng và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân làm ăn thuận tiện nhất, hài hòa trong việc thực hiện mục tiêu kép trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngay từ giai đoạn đầu, khi tỉnh mới được phân bổ vắc xin, nhưng chúng tôi đã tạo điều kiện ưu tiên nhất để phân bổ cho các doanh nghiệp, đảm bảo phủ xanh vắc xin tại các KCN để các doanh nghiệp, người lao động yên tâm sản xuất. Ở thời điểm nhiều tỉnh thành còn đóng cửa do dịch bệnh, tỉnh đã đưa ra chính sách rất mở cho doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động từ các tỉnh ngoài vào làm việc qua đó đảm bảo nguồn nhân lực, duy trì chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, kinh tế được hồi phục và từng bước phát triển.

Đặc biệt, Thái Nguyên đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để giúp hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế, là cơ hội tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển. Chính vì vậy Thái nguyên đã khá nhanh nhạy, và có sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số, đặc biệt là trong kiểm soát tình hình dịch bệnh. Thái Nguyên hiện vẫn luôn giữ được là an toàn khu là “vùng xanh” trong đại dịch covid -19.

Liệu đây có phải là dấu ấn trong công tác  lãnh đạo, chỉ đạo sau một năm nhận nhiệm vụ của một Bí thư Tỉnh ủy nữ đầu tiên của tỉnh Thái nguyên?

Có thể khẳng định rằng, đây là thành quả chung của cả một tập thể đoàn kết, thống nhất, năng động hoạt động hiệu quả và lại được vun đắp, dựa trên một điểm tựa hết sức vững chãi. Đó là niềm tin của đồng bào và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh và của cộng đồng doanh nghiệp, chứ không thể là thành tích của riêng một cá nhân nào.

Một mình tôi sẽ không thể làm được gì nếu không có một tập thể đoàn kết, dám đổi mới, sáng tạo, có khát vọng phát triển, dám đương đầu trước những vấn đề mới, khó; nếu không có sự chung sức đồng lòng của doanh nghiệp và người dân của tỉnh.

{keywords}

Chúng tôi luôn quán triệt nguyên tắc: “Công việc càng khó, càng phức tạp thì càng phải công khai, minh bạch và tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện”. Đồng thời, quán triệt quan điểm “Chủ trương đúng - Đồng thuận cao - Hành động quyết liệt” thì mọi việc sẽ đạt được kết quả khả quan nhất. Lấy trách nhiệm của cá nhân để rút kinh nghiệm cho những yếu kém của tập thể mà mình lãnh đạo.

Dù công việc khó khăn đến đâu cũng quyết tâm tìm giải pháp để hoàn thành; Giải quyết, xử lý công việc phải luôn “nóng” nhưng tuyệt đối không được “vội”; mọi việc phải được triển khai “nhanh” nhưng tuyệt đối không được “ẩu”; và phải luôn “chủ động" trước mọi tình huống nhưng tuyệt đối không được “chủ quan” .

{keywords}

Bà hài lòng với những kết quả đã đạt được trong năm qua?

Khi đặt ra các mục tiêu nhiệm vụ năm 2021, tôi và anh em trong tỉnh luôn tự hứa sẽ phải luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Mình cứ làm thôi.

Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận là, thành quả trong năm qua Thái Nguyên đạt được cũng chưa phải thực sự xuất sắc khi so sánh với nhiều tỉnh, thành bạn và với tiềm năng và lợi thế mà tỉnh có được. Quan điểm chúng tôi luôn mong muốn một sự bình yên, ổn định và trên cơ sở đó phát triển mới thực sự bền vững, năm sau duy trì kết quả của năm trước và có tăng trưởng thêm là điều đáng mừng, đáng ghi nhận nhưng nếu phát triển quá “nóng”, quá “vội” có thể đôi khi lại phát sinh những hệ lụy làm ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài.

Điều quan trọng nhất mà chúng tôi hướng tới đó là sự hài lòng của người dân, chất lượng cuộc sống của người dân phải được nâng cao một cách toàn diện. Nếu phát triển nhanh, thu nhập đầu người tăng mà cuộc sống người dân không an toàn, bình yên, người dân cảm thấy không hạnh phúc thì phát triển như vậy cũng là không bền vững.

Chẳng hạn trong công tác an sinh, năm qua Thái Nguyên đã hỗ trợ 3.154 doanh nghiệp, đơn vị, 405.787 lượt người lao động và 70 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 563,4 tỷ đồng. Trong “tuần cao điểm “Tết vì người nghèo” đã huy động được trên 30 tỷ đồng để hỗ trợ trên 36.000 hộ nghèo và cận nghèo đón Tết.

Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua đã góp phần ổn định đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trong quá trình phát triển. Vậy bà có thể nêu một số thành quả tỉnh gặt hái được từ chuyển đổi số?

Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về công tác chuyển đổi số ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh. Dựa vào nghị quyết này, tỉnh đã triển khai thực hiện trong năm qua và kết quả xếp hạng mới nhất về chuyển đổi số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố cho thấy Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số.

Trong đó, chỉ số chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc. Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 7 địa phương xếp loại A (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt), nhóm dẫn đầu cả nước.

{keywords}
Bí thư Thái Nguyên trải lòng về bước lội ngược dòng giữa đại dịch

Toàn tỉnh đã cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; thành lập Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh; đưa vào sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. Đến nay, tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành chương trình “sóng và máy tính cho em”.

Ngoài ra, tỉnh chính thức khai trương mạng 5G đầu tiên tại Thái Nguyên; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như “C-ThaiNguyen”, “Thainguyen ID” đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và phòng, chống dịch Covid-19.

Việc đi trước đón đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số là một trong những giải pháp giúp Thái Nguyên thực hiện được giấc mơ là cực tăng trưởng, là trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại không chỉ của vùng Trung du miền núi phía Bắc mà còn là của vùng Thủ đô vào năm 2030.

{keywords}

Giữa đại dịch nhưng Thái Nguyên vẫn thu hút được hàng loạt “đại bàng” như Tập đoàn T&T, Tân Hoàng Minh, BRG, Him Lam, Saigontel đến “lót ổ”. Bà có thể bật mí về kế hoạch và mục tiêu phát triển của tỉnh trong năm 2022 khi có sự góp mặt của các ông lớn này?

Tôi rất mừng là trong năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên tỉnh đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 866 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 11.259 tỷ đồng, trong đó có 10 doanh nghiệp FDI với tổng số vốn đăng ký 418,2 tỷ đồng…

Về thu hút đầu tư FDI, đến hết ngày 25/12/2021, toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 31 dự án (15 dự án cấp mới, 16 dự án điều chỉnh  tăng vốn) với tổng số vốn đăng ký là 230,53 triệu USD, có 1 dự án đề xuất mở rộng đầu tư và đang tiến hành một số thủ tục có tổng số vốn tăng thêm lên đến 920 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh hiện có 170 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký và đề xuất đầu tư đăng ký đạt trên 9,67 tỷ USD.

Ngoài ra, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 38 dự án sử dụng vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký là 6.683 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 834 dự án với số vốn đăng ký khoảng 143.780 tỷ đồng.

Đáng chú ý là mới đây, một số tập đoàn lớn như T&T, Tân Hoàng Minh, BRG, Him Lam, Saigontel… đã quyết định đầu tư vào Thái Nguyên.

Đây là tín hiệu tích cực để năm 2022 Thái Nguyên mạnh dạn đặt ra các mục tiêu lớn như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7- 8%, GRDP bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước đạt 19.000 -20.000 tỷ đồng,…

Điều này phải chăng Thái Nguyên là vùng “đất lành chim đậu”, thưa bà?

Tôi nghĩ câu trả lời khách quan nhất nằm ở sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và của người dân trong tỉnh. Đấy cũng là điều chúng tôi mong mỏi.

{keywords}

Tôi cũng rất mừng là các chỉ số khảo sát ý kiến của doanh nghiệp và người dân dành cho Thái Nguyên gần đây (công bố trong năm 2021) khá là tích cực. Chẳng hạn như chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI năm 2020 tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 36 bậc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI năm 2020 của tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 2 bậc so với năm trước…

Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và luôn coi trọng việc đẩy mạnh cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn.

Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng đến việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư vào địa phương, để Thái Nguyên không chỉ là vùng “đất lành” mà còn thực sự là “vùng đất hấp dẫn” với các nhà đầu tư.

Là cán bộ từ Trung ương luân chuyển về địa phương, có vẻ bà “hợp đất Thái Nguyên” và đã trở thành “người Thái Nguyên” thật sự?

Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh thành công, Vietnamnet đã có bài phỏng vấn tôi về những cam kết với đồng bào và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, lúc đó tôi đã rất xúc động và xin hứa sẽ toàn tâm, toàn ý với Thái Nguyên. Nay sau hơn một năm nhìn lại tôi thấy mình cũng đã rất cố gắng để thực hiện lời cam kết đó.

{keywords}

Là một người con của Thủ đô Hà Nội được phân công về công tác tại tỉnh Thái Nguyên - là Thủ đô của kháng chiến năm xưa, tôi thấy mình thực sự có duyên với mảnh đất cách mạng này. Tôi đã luôn tâm niệm đây là quê hương thứ hai của mình và rất tự nhiên tôi đã luôn nghĩ mình là một người con của Thái Nguyên và sẽ toàn tâm, toàn ý cùng tập thể vì một Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển để xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành một trung tâm kinh tế - công nghiệp lớn, hiện đại không những của vùng Trung du miền núi phía Bắc mà còn của vùng Thủ đô trước năm 2030.

Điều này cũng là góp phần để hiện thực hóa mong muốn của Bác khi Người về thăm Thái Nguyên năm 1964, đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta.

Xin cảm ơn bà!

Thu Hằng-Kiên Trung thực hiện - Thiết kế: Nguyễn Ngọc

Bí thư Nguyễn Thanh Hải: Tôi sẽ toàn tâm, toàn ý với Thái Nguyên

Bí thư Nguyễn Thanh Hải: Tôi sẽ toàn tâm, toàn ý với Thái Nguyên

Trao đổi với VietNamNet ngay sau khi tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, bà Nguyễn Thanh Hải khẳng định “sẽ toàn tâm, toàn ý với tỉnh Thái Nguyên”.