Sáng 15/9, Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chủ trì hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và cùng nhiều lãnh đạo ban bộ ngành, địa phương.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, từ điểm cầu Trung ương đến 138 điểm cầu tại các tỉnh thành trực thuộc Trung ương; các quân khu, quân chủng, binh chủng, bộ tư lệnh và các đơn vị tương đương thuộc Bộ Quốc phòng với 4.600 đại biểu, riêng điểm cầu Trung ương có gần 400 đại biểu.

Kỷ luật 87.000 đảng viên vi phạm

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc báo cáo tóm tắt tình hình kết quả công tác nội chính nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

{keywords}
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong các kết quả nổi bật, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Trong nhiệm kỳ qua, tỉ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt trên 82%, tỉ lệ giải quyết các vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra đạt trên 94%; tỉ lệ truy tố các vụ án hình sự trên 98%; tỉ lệ giải quyết vụ việc, xét xử các vụ án đạt gần 98%...

Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và kỷ luật 87.000 đảng viên vi phạm.

“Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh của Đảng”.

{keywords}
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc

Ngoài ra, ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580 nghìn tỉ đồng, gần 9.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm…

Bên cạnh đó, thực hiện tốt vai trò tiên phong trong công tác đấu tranh, tạo bước đột phá phát hiện, xử lý tham nhũng, góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, củng cố niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân.

Không chịu bất kỳ sức ép nào

Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thực hiện “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào”.

{keywords}
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 1.202 vụ với 2.649 bị can, truy tố 1.141 vụ với 2.731 bị can, xét xử sơ thẩm 1.100 vụ với 2.663 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 18 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng nâng lên, đạt tỉ lệ trung bình hàng năm hơn 32% so với số tiền có điều kiện thi hành, tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu 5 bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học phải thường xuyên gắn bó mật thiết với nhân dân, quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động tấn công; phát hiện, đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, phạm tội.

Trong đó giữ vững bên trong, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, cơ bản, lâu dài, giữ nước từ khi chưa có nguy; phát hiện xử lý kịp thời là đột phá, quan trọng…

Thu Hằng

BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ thêm nhiệm vụ chống tiêu cực, suy thoái

BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ thêm nhiệm vụ chống tiêu cực, suy thoái

Ngoài chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo cả phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trước hết là trong cán bộ lãnh đạo, quản lý.