-Người dân Thủ Thiêm khẳng định, bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 là có và họ đang giữ tấm bản đồ này.
Liên quan đến thông tin bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 bị “thất lạc” khiến việc đền bù, giải tỏa mặt bằng tại Khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết trong thời gian qua.
Ông Lê Văn Lung (nhà số 9, đường Trần Não, quận 2) cho biết, nhiều lần người dân Thủ Thiêm đã yêu cầu UBND TP.HCM cho xem bản đồ 1/5000 để xác định ranh giới giải tỏa mặt bằng nhưng đều bị từ chối.
“Chúng tôi yêu cầu TP phải trưng ra bản đồ quy hoạch 1/5000 để xác định ranh giới, nhưng họ bảo thất lạc. Việc này đẩy người dân vào vòng tranh chấp khiếu kiện kéo dài từ năm 1996 đến nay”, ông Lung nói.
Đặt vấn đề, tấm bản đồ gốc quy hoạch KĐT Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 có hay không? ông Lung khẳng định là có và đang giữ một tấm bản đồ có đầy đủ dấu mộc, ký xác nhận của cơ quan chức năng.
Để chứng minh điều này, ông Lung đã đưa tấm bản đồ này ra, trên bản đồ ghi cụ thể “Quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm – Tổng quy hoạch”, phía dưới ghi rõ các cơ quan chức năng đóng dấu xác nhận gồm: Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị với ký hiệu bản vẽ KT-06, ngày 12/6/1995, tỷ lệ 1/5000.
Tấm bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 mà ông Lung đang giữ |
Ông Lung cho rằng: “TP trả lời bản đồ thất lạc là điều không tưởng, vì quản lý đất đai trong đó có bản đồ này, nhiều đơn vị từ cấp cơ sở đến chính quyền cao nhất là TP nắm giữ”.
Từ đó, ông Lung đặt vấn đề: “Liệu có khuất tất gì liên quan đến tấm bản đồ này trong việc giải quyết tranh chấp ranh giới ở KĐT mới Thủ Thiêm hay không?”
Trước đó, ông Nguyễn Hồng Điệp (Vụ trưởng, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ) cho biết, nếu "thất lạc" bản đồ 1/5000 ở TP thì tại các cơ quan, đơn vị liên quan phải còn.
"Làm gì có việc thất lạc mãi mà không tìm thấy" - lời ông Điệp.
Vì vậy, theo ông Điệp, TP.HCM nên trả lời thẳng thắn với người dân khiếu kiện là "không có bản đồ gốc" và giải quyết thoả đáng lợi ích, quyền lợi của họ.
Thu hồi đất năm 2002 sử dụng quyết định năm 2005?
Tại cuộc họp báo Chính phủ hôm qua, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết, hiện nay quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng ở khu đô thị Thủ Thiêm là theo quy hoạch chung năm 2005.
"TP.HCM hôm nay trả lời là tất cả bản đồ cũng như hồ sơ pháp lý hiện có đầy đủ từ năm 2005, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ranh giới có đầy đủ và đang triển khai dự án, thu hồi đất dựa trên các quy hoạch này", ông Hùng nói.
Ông Hùng giải thích, quy hoạch chung năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch năm 2005.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Lung cho rằng, việc trả lời của Thứ trưởng Bộ xây dựng là không chính xác.
“Việc triển khai dự án, thu hồi mặt bằng theo bản đồ Quy hoạch điều chỉnh năm 2005 này là trái pháp luật. Vì quyết định thu hồi đất chúng tôi có từ ngày 10/2/2002 theo Quy hoạch 367 của Thủ tướng Chính phủ kèm bản đồ 1/5000”, ông Lung nói.
Ông Lê Văn Lung, đại diện cho nhóm 71 hộ dân khiếu kiện về vấn đề tranh chấp đất ở Thủ Thiêm |
Theo ông Lung, cơ quan chức năng cần phải sử dụng tấm bản đồ 1/5000 trong Quyết định 367 của Thủ tướng ngày 4/6/1996 để căn cứ ranh giới được phê duyệt xây dựng KĐT Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm cho rằng, tấm bản đồ này, là mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua.
Họ cho rằng đất của mình không nằm trong khu vực quy hoạch nhưng lại bị giải tỏa. Người dân đòi chính quyền TP.HCM phải đưa ra bản đồ 1/5.000 KĐT Thủ Thiêm để xác định rõ ràng việc này.
Sau ‘cung điện công chúa’, Ba Vì làm rõ tin 1 thứ trưởng ‘gom’ đất lâm trường
Huyện Ba Vì (Hà Nội) đang tìm hiểu, làm rõ thông tin liên quan đến một Thứ trưởng mua bán đất lâm trường.
Trầm trồ tòa lâu đài tráng lệ của cụ bà 78 tuổi ở Hà Tĩnh
Một toà lâu đài màu trắng bề thế đi vào giai đoạn hoàn thiện ở một vùng quê tại Hà Tĩnh khiến người dân không khỏi trầm trồ.
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc đã được thay thế mới
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin về bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc.
‘Xử lý cán bộ tham nhũng không có vùng cấm, kể cả ủy viên Bộ Chính trị’
Không vùng cấm nào trong việc xử lý cán bộ tham nhũng, dù đó là cấp tướng, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng - Chủ tịch QH nói.
Văn Bình